Indonesia lắp đặt hệ thống phòng không ở biển Đông

(NLĐO) – Quân đội Indonesia vừa công bố kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng không sau những diễn biến căng thẳng trên biển Đông thời gian qua.

Tạp chí quân sự IHS Jane's cho rằng quân đội Indonesia đang từng bước khẳng định chủ quyền lãnh thổ riêng của mình. Như vậy, Không quân Indonesia sẽ triển khai 4 đơn vị đặc nhiệm PASKHAS tới đảo Pulau Natuna Besar, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Natuna, ở biển Đông.

Các đơn vị này sẽ được trang bị hệ thống phòng không có tên gọi Oerlikon Skyshield. Đây là một tổ hợp pháo phòng không đa nhiệm với pháo quay 1 nòng 35 mm và có tốc độ bắn 1.000 lần/phút. Đầu đạn được bắn ra được dẫn đường chính xác và có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không như máy bay.

Hệ thống phòng không Oerlikon Skyshield trong một cuộc diễu hành quân sự tại Surabaya vào năm 2014. Ảnh: IHS

Hệ thống phòng không Oerlikon Skyshield trong một cuộc diễu hành quân sự tại Surabaya vào năm 2014. Ảnh: IHS

Ngoài kế hoạch triển khai Oerlikon Skyshield tới quần đảo Natuna, quân đội Indonesia có kế hoạch tăng cường lực lượng ở căn cứ không quân Ranai tại đây cũng như bổ sung các nhà chứa máy bay cho 8 chiến đấu cơ trong đó có Su-27, Su-30 hay F-16 cùng một phi đội không người lái quy mô nhỏ. Chi phí nâng cấp này ước tính khoảng 91 triệu USD. Nếu được phê chuẩn, dự án sẽ hoàn tất vào năm 2019.

Những thông tin này đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ khuyến khích các đồng minh Thái Bình Dương đóng một vai trò tích cực hơn trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Washington đang tham gia cuộc tập trận chung Balikatan với Philippines, dường như nhằm gửi một thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh.

Giáo sư nghiên cứu quốc tế Rene de Castro tại trường ĐH De La Salle ở Manila - Philippines nhận định: “Nhìn vào những thành phần tham gia Balikatan như bệ phóng tên lửa di động, chiến đấu cơ, có thể thấy rằng liên minh này đang chuẩn bị cho một tình thế phải bảo vệ lãnh thổ”.

Mỹ đã phản đối việc xây dựng phi pháp các hòn đảo nhân tạo tại môi trường sinh thái nhạy cảm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) của Bắc Kinh. Dẫu Trung Quốc rêu rao rằng các dự án cải tạo đất của họ vì mục đích dân sự, Mỹ đã gọi đó là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Washington cáo buộc Bắc Kinh cố gắng đơn phương thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở biển Đông.

Trong khi đó, Kyodo dẫn một nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 6-4 cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh sắp tới, ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ bày tỏ quan ngại về hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép của Trung Quốc ở biển Đông.

Ngoài ra, Ngoại trưởng nhóm G7 cũng sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình tại biển Hoa Đông, nơi tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.