Iran đòi Mỹ dỡ trừng phạt mới đàm phán

(NLĐO) - Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 6-8 yêu cầu Mỹ chấm dứt các biện pháp trừng phạt vì đó là tiền đề cần thiết cho các cuộc đàm phán trực tiếp.

"Cộng hòa Hồi giáo Iran ủng hộ các cuộc đàm phán. Nếu Mỹ thực sự muốn nói chuyện, trước tiên, họ nên dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt" - ông Rouhani nói trong bài phát biểu trên truyền hình.

Tổng thống Iran mô tả các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "khủng bố kinh tế", ngăn Tehran nhập khẩu thực phẩm và thuốc men.

Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Thỏa thuận quy định giới hạn phát triển hạt nhân của Iran, đổi lại Mỹ sẽ chấm dứt lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước Cộng hoà Hồi giáo này.

Iran đòi Mỹ dỡ trừng phạt mới đàm phán - Ảnh 1.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters

Vào tháng 7, Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif. Hôm 6-8, ông Rouhani đã lên tiếng ca ngợi ông Zarif – một nhà ngoại giao kỳ cựu - trong bài phát biểu của mình.

Tổng thống Iran cho biết Tehran đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán trực tiếp bất chấp lập trường của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân 2015. "Cho dù họ có muốn tham gia thoả thuận hay không, điều đó tùy thuộc vào họ" - ông Rouhani nói thêm.

Nỗi lo về một cuộc xung đột leo thang trong những tuần gần đây sau khi Iran bắt tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh về cáo buộc vi phạm các quy tắc hàng hải. Lực lượng Anh trước đó bắt tàu chở dầu Grace 1 của Iran gần vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar do tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế đối với Syria.

Tuần trước, Iran đề nghị trao đổi tàu nhưng bị chính phủ Anh bác bỏ. "Một eo biển đổi một eo biển. Không thể là eo biển Hormuz thì tự do cho các người, còn eo biển Gibraltar thì không tự do cho chúng tôi" – ông Rouhani lập luận.

Ngoài ra, ông Rouhani cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào an ninh hàng hải ở vịnh Ba Tư, đồng thời lưu ý cuộc xung đột với nước Cộng hòa Hồi giáo này – nếu xảy ra – sẽ là "mẹ của tất cả cuộc chiến tranh".

Anh đã đồng ý tham gia một sứ mệnh an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu để đảm bảo tự do hàng hải ở vịnh Ba Tư. Trong khi đó, Đức từ chối gia nhập và nói rằng họ sẽ chỉ cân nhắc nếu sứ mệnh do châu Âu dẫn đầu.