Kẻ giết Annie Lê đã bị bắt

Giới hữu trách Mỹ cảnh báo vấn đề bạo lực nơi làm việc vốn đang gia tăng khắp nước này

Xem Bi kịch Annie Le

Kỹ thuật viên Raymond Clark III, hôm 17-9, đã bị buộc tội giết Annie Lê, 24 tuổi, nghiên cứu sinh Trường Đại học Yale (Mỹ). Theo báo The New York Times, Clark đã bị bắt ngay sáng 17-9 (giờ địa phương) tại căn phòng 214 ở khách sạn Super 8, thành phố Cromwell, bang Connecticut. Clark được chở về thành phố New Haven và bị giam tại nhà tù của bang để chờ xét xử. Clark nói rất ít và không hề bào chữa.

img

Raymond Clark III (phải) bị buộc tội giết Annie Lê. Ảnh: THE NEW YORK TIMES


Bạo lực nơi làm việc


Những người có thẩm quyền cho biết kết quả xét nghiệm ADN của anh ta phù hợp với chứng cứ tại hiện trường vụ án nhưng không cho biết thêm chi tiết. Bên cạnh đó, cảnh sát trưởng thành phố New Haven James Lewis không nói gì về động cơ phạm tội nhưng nhấn mạnh: “Điều quan trọng cần lưu ý ở đây không phải là về một tội phạm ở thành phố, tội phạm trong trường đại học mà là vấn đề bạo lực nơi làm việc, vốn đang gia tăng khắp đất nước này”.


Cảnh sát trưởng Lewis tìm cách xóa đi mọi ý nghĩ cho rằng cô Lê, một phụ nữ chuẩn bị lấy chồng, đã bị Clark theo đuổi hoặc Trường Yale là nơi không an toàn. Thế nhưng, vụ bắt giữ kể trên đã mở ra cánh cửa nhìn vào một môi trường làm việc chuyên biệt, với hàng ngàn con vật, còn các kỹ thuật viên làm việc như người hầu tại phòng thí nghiệm này, dù đó là việc làm cần thiết. Những kỹ thuật viên được giao nhiệm vụ đặc biệt, làm người bênh vực cho các con vật và người bảo vệ quy tắc đối xử với thú vật.


David Russell, một người từng làm kỹ thuật viên tại Trường Yale từ năm 1997 đến 2008, kể lại: “Công việc thực sự căng thẳng. Nếu có gì đó sai trái, bạn sẽ là người lãnh đủ”. Mặc dù vậy, công việc này mang tính cạnh tranh cao và nhiều người đã được nhận vào làm việc nhờ sự giúp đỡ của bạn bè hoặc người thân. Chị của Clark đã giới thiệu anh ta vào làm năm 2004 khi anh ta tốt nghiệp trung học.


Một công việc căng thẳng


Trường Yale yêu cầu các kỹ thuật viên hiểu biết rõ về các con thú. Một đồng nghiệp của Clark kể anh ta từng viết trong lý lịch rằng trước đây đã làm việc tại một nông trại, mặc dù sự thực không phải vậy. Trong khi đó, website của Trường Yale cho biết nhà trường thực hiện việc kiểm tra lai lịch của các nhân viên và kể từ năm 2007, trường này đòi hỏi thẩm tra lại tất cả giấy chứng nhận học vấn và nghề nghiệp.


Clark
được trả lương 12-25 USD/giờ cho công việc kỹ thuật viên thí nghiệm thú vật. Anh ta phải chăm sóc các con vật, chuyển chúng vào các cũi sạch và kiểm tra xem chúng có bị ướt không, có con nào ốm đau hay chết không. Ngoài ra, các kỹ thuật viên như Clark cũng phải làm người bảo vệ, bảo đảm rằng trong thế giới chuyên nghiên cứu thú vật này, tất cả mọi giấy tờ đều đã được sắp xếp và tất cả mọi chuẩn mực về đạo đức đều được tuân thủ. Họ có thể nhắc một sinh viên mặc áo choàng trước khi bước vào phòng hoặc khiển trách một nhà nghiên cứu vì đã không tách phân chuột ra hoặc cắt đuôi chuột để lấy mẫu xét nghiệm ADN, một thói quen bị nhà trường ngăn cấm.


Như thế, các kỹ thuật viên luôn sống trong nỗi sợ hãi phải chịu trách nhiệm về sự sai sót của một người nào đó. Một sự nhầm lẫn bất kỳ, chẳng hạn như một con vật bị ướt hoặc nơi làm việc không sạch sẽ, đều có nghĩa là họ sẽ bị xử kỷ luật nhiều tuần lễ. Một đồng nghiệp của Clark tâm sự: “Nhiều người có khuynh hướng xem chúng tôi như những người trông nom nhà cửa. Thế nhưng chúng tôi còn hơn thế kia. Chúng tôi là cảnh sát. Chúng tôi ở đó để bảo đảm mọi sự đều được thực hiện một cách nhân đạo”.