Khi âm nhạc lên tiếng

Buổi hòa nhạc chưa từng có của dàn nhạc đại hòa tấu New York tại nhà hát lớn của CHDCND Triều Tiên vào đầu tuần này có thể là thông điệp báo trước mối quan hệ ấm áp hơn giữa Triều Tiên và Mỹ.

Suốt 90 phút và sau khi chơi những nốt cuối cùng của bản dân ca ngàn năm Arirang của dân tộc Triều Tiên, các nhạc sĩ xúc động rời sân khấu còn khán thính giả thì trìu mến vẫy tay chào.

Đối với 106 thành viên dàn nhạc, buổi biểu diễn là một kết thúc đẹp, đầy cảm xúc, làm nổi bật mục đích chuyến thăm lịch sử 48 giờ của các sứ giả văn hóa Mỹ. Không chỉ có cử tọa 2.500 người thưởng lãm trong khán phòng, buổi hòa nhạc đã được trực tiếp truyền hình đến nhiều nước, mang cái mà người ta gọi là ngôn ngữ không biên giới đến với khoảng 200 triệu người. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il không có mặt tại buổi hòa nhạc, nhưng khó có thể biết là ông ấy có theo dõi hay không.

“Chúng tôi có thể là phương tiện để mở cánh cửa nhỏ” - chỉ huy dàn nhạc giao hưởng New York Lorin Maazel nói sau buổi biểu diễn. Đề cập đến sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông nói: “Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa nhìn thấy tổng thống của nước Mỹ trong các buổi hòa nhạc của tôi. Đôi khi các chính khách quá bận rộn”.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry tham dự buổi hòa nhạc và gọi đó là một “thời khắc lịch sử”, ông nhớ lại hai nước đã tiến đến sát cuộc chiến tranh như thế nào giữa cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994. “Bạn không thể biến con người thành ma quỷ khi ngồi ở đó lắng nghe âm nhạc của họ. Bạn không thể đi đến chiến tranh với mọi người trừ khi bạn đảo ngược bản chất của họ” - ông Perry nói.

Ý kiến của vị cựu bộ trưởng quốc phòng được thứ trưởng Bộ Văn hóa Triều Tiên đồng tình. “Tôi có thể nói rằng, qua buổi hòa nhạc tối nay, tất cả thành viên dàn nhạc giao hưởng New York đã cởi mở tâm hồn người dân Triều Tiên” - ông Song Sok Hwan nói”.

Quả thật, âm nhạc- đặc biệt là âm nhạc cổ điển Tây phương- vốn có sức lay động con tim mạnh mẽ, đến nỗi nhiều nhà soạn nhạc lừng danh thế giới cùng chia sẻ nhận định rằng “nơi nào ngôn ngữ bất lực, nơi đó âm nhạc lên tiếng”. Dàn nhạc New York đã trình bày bản giao hưởng số 9 (New World) của nhà soạn nhạc người Czech Antonin Dvorak, bản giao hưởng An American in Paris của George Gershwin (Mỹ) và khúc dạo đầu hồi III nhạc kịch Lohengrin của Richard Wagner (Đức)... “Một ngày nào đó, một nhà soạn nhạc có thể viết bản giao hưởng mang tên Americans in Pyongyang (Những người Mỹ ở Bình Nhưỡng)” - chỉ huy dàn nhạc Maazel nói trong lúc giới thiệu tác phẩm của Gershwin, và ông đã nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt từ phía khán thính giả.

Nhưng có vẻ như không khí lạc quan từ buổi hòa nhạc đã không lay động các quan chức trong chính quyền Tổng thống Bush. Thư ký báo chí Nhà Trắng Dana Perino nói buổi trình diễn vô hại mà cũng chẳng giúp gì cho các nỗ lực ngoại giao của Mỹ. “Chúng tôi coi buổi hòa nhạc chỉ là hòa nhạc, nó không phải là điều gì lớn lao về mặt ngoại giao” - bà Perino nói. Thận trọng hơn, với tâm hồn của một người chơi piano, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cho rằng “từ việc nghe hòa nhạc đến thay đổi bản chất chính trị là một con đường dài, nhưng tôi nghĩ đó là việc làm tốt”.

Thế giới từng chứng kiến hoạt động “ngoại giao bóng bàn” với việc đội bóng bàn Mỹ được Trung Quốc mời sang thi đấu ở Bắc Kinh năm 1971, mở đầu cho thời kỳ tan băng giá giữa hai quốc gia thù địch. Hay hoạt động “ngoại giao gấu trúc” xuất phát từ Trung Quốc từ những thập niên 1960 và 1970, thể hiện thiện chí của nước chủ nhà trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Riêng “ngoại giao âm nhạc” xuất hiện nhiều hơn với dàn nhạc giao hưởng Boston (Mỹ) đến Liên Xô năm 1956 hay dàn nhạc Philadelphia (Mỹ) thăm Trung Quốc năm 1973...

“Nơi nào ngôn ngữ bất lực, nơi đó âm nhạc lên tiếng”. Những cuộc thảo luận 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn đang tiếp tục, nghĩa là “ngôn ngữ” chưa bất lực. Và buổi hòa nhạc đã xuất hiện như một nỗ lực tiếp sức.