Khi NGO chuyển sang kinh doanh

Các tổ chức phi chính phủ chuyển sang kinh doanh như một giải pháp nhằm tăng vốn hoạt động và tạo việc làm cho người cần trợ giúp

Trong khu sản xuất của nhà máy thuộc Công ty Hagar Soya, ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh của Campuchia, nhiều phụ nữ nghèo làm việc trên dây chuyền đóng gói trong khi ở phòng bên cạnh, những kỹ thuật viên vận hành máy đóng hộp sản phẩm sữa đậu nành “So! Soya” với công suất 6.000 hộp/giờ. Với mục đích sản xuất để kiếm tiền cho những hoạt động vì mục tiêu xã hội, Công ty Hagar Soya đã mở cửa nhà máy sữa đậu nành trị giá 1,2 triệu USD này hồi tháng 12-2003. Hiện Hagar  Soya đang tập trung vào việc xây dựng nhà kho, đào tạo nhân công và tìm đại lý. Công ty này dự định bán gói sữa đậu nành 180 ml So! Soya với giá khoảng 1.000 riel mỗi gói (gần 4.000 đồng VN). Năng suất của nhà máy mới dự kiến lên tới 12.000 lít/ngày và sử dụng hơn 40 nhân công trên diện tích khoảng 2.000 m2 tại ngoại ô Phnom Penh.

Những người đề xuất chương trình này hy vọng sự thành công của công việc kinh doanh sẽ khuyến khích các tổ chức phi chính phủ (NGO) khác làm theo nhằm bớt lệ thuộc vào nguồn tiền viện trợ trong cuộc chiến chống đói nghèo ở những quốc gia kém phát triển. Giám đốc điều hành Công ty Hagar Soya Gregg Burgess nói: “Chúng tôi muốn cung cấp thêm việc làm qua chương trình này đồng thời phân phối sản phẩm hợp vệ sinh đi khắp nơi”. Công ty Hagar Soya do Hagar NGO, một tổ chức giúp đỡ phụ nữ nghèo bị lạm dụng tại Campuchia của Thụy Sĩ, làm chủ. Công ty đã bắt đầu sản xuất sữa đậu nành tươi từ năm 1998, cung cấp 500 lít sữa cho các trường học, cơ quan công và những tổ chức phi lợi nhuận. Người dân Campuchia thường uống sữa đậu nành hơn sữa bò - vốn đắt tiền và hiếm hơn tại nước này.

Đến năm 1999, việc mở rộng kinh doanh sang các khu vực ngoài Phnom Penh là thử thách khó khăn cho Hagar Soya như không đủ thiết bị và xe bảo quản lạnh trong lúc phân phối. Giải pháp là Hagar Soya nhập thiết bị trị giá 450.000 USD trong đó có máy xử lý sữa ở nhiệt độ cực cao, nhằm khử trùng và tăng thời gian bảo quản sữa lên từ hơn 6 tháng đến 1 năm. Số tiền này do Công ty Đầu tư Quốc tế (IFC), thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư và do Hagar NGO tài trợ. Ông Adam Sack thuộc nhóm hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân sông Mekong của WB cho rằng việc các NGO kinh doanh không mới nhưng cái độc đáo mà Hagar Soya ở Campuchia được thừa nhận là những cách làm hữu hiệu trong việc góp phần giảm nghèo. Lợi nhuận của Hagar Soya được góp vào các dự án xã hội  của Hagar NGO như xây trường học và cơ sở từ thiện. Hagar Soya hiện là 1 trong 4 cơ sở kinh doanh của các tổ chức phi lợi nhuận tại Campuchia. Chị Kev Srey Mom - một phụ nữ cụt tay có hai con phải bỏ nhà đi kiếm sống vì bị chồng đánh đập - là 1 trong số 9 chị em có hoàn cảnh đáng thương đang làm việc cho nhà máy của Hagar Soya. Công việc đã giúp chị quên đi quá khứ đau buồn. Chị nói: “Trước đây cuộc sống rất khắc nghiệt, tôi nghĩ tôi là người bất hạnh, nhưng giờ đây tôi đã có việc làm, tôi biết ơn tổ chức này vì tôi đã có cơm ăn, con cái được đi học. Hiện nay tôi đã có đời sống mới”.

Dù nhiều người có thể phê phán rằng chuyển sang làm kinh doanh là không phù hợp với tinh thần vô vị lợi của các NGO nhưng Giám đốc điều hành Hagar NGO Pierre Tami cho rằng bước chuyển dịch này vẫn liên quan chặt chẽ với các mục tiêu xã hội của Hagar. Ông nói: “Giải pháp kinh doanh xuất phát từ yêu cầu căn bản vì trừ phi bạn tạo cơ hội cho họ có thu nhập, những người này sẽ không có hy vọng nào khác”.