Kiến trúc chống động đất

Nhờ tuân thủ chuẩn mực xây dựng nghiêm ngặt, đại đa số các công trình kiến trúc ở Christchurch, New Zealand đứng vững trong trận động đất 7 độ Richter

Thủ tướng New Zealand John Key công nhận điều thần kỳ đã xảy ra khi không một ai tử vong và chỉ 2 người bị thương nặng trong trận động đất mạnh 7 độ Richter vừa xảy ra ở thành phố Christchurch ngày 4-9. Khi đó, các chuyên gia tin chắc rằng các quy định nghiêm ngặt về xây dựng của nước này đã ngăn chặn sự thiệt hại về nhân mạng.

 
Nghiêm khắc trong xây dựng
 
Hệ thống chuẩn mực và kiểm tra chất lượng công trình xây dựng ở nước này có thể đã cứu khu vực bị động đất thoát khỏi cảnh chết chóc và tàn phá nặng nề như nhiều nơi trên thế giới đã phải gánh chịu. Ông Andrew Charleson, giáo sư tại Trường Kiến trúc Wellington thuộc Đại học Victoria, khẳng định: “Đó là nhờ các chuẩn mực xây dựng, chất lượng công trình, nguyên vật liệu được sử dụng và việc kiểm soát chất lượng trong quá trình xây dựng”.
 
Do động đất hoành hành mạnh ở đây, đất nước này đã có một đội ngũ chuyên gia về kỹ thuật chống động đất hàng đầu thế giới. Cũng giống như hầu hết quốc gia nằm trong khu vực động đất thường xuyên hoạt động, New Zealand đã kết hợp các nguyên tắc thiết kế đối phó động đất thành một bộ luật xây dựng. 
Viện Địa chất và Khoa học hạt nhân New Zealand cho biết nước này mỗi năm có khoảng 100 - 150 trận động đất có thể cảm nhận được.
 
 
img
Nhiều ngôi nhà tại Christchurch vẫn đứng vững trong trận động đất ngày 4-9. Ảnh: REUTERS


Trận động đất 7,8 độ Richter năm 1931 đã tàn phá hai thành phố Napier và Hastings, làm chết ít nhất 256 người. Từ đó, nước này đã hình thành một chuẩn mực mới về thiết kế công trình kiến trúc vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
 
Ông Charleson nhấn mạnh: “Trận động đất đó đã khiến New Zealand xác lập và tuân theo các chuẩn mực xây dựng tốt hơn”. Theo CNN, việc xây dựng mọi tòa nhà ở New Zealand đều phải được hội đồng thành phố địa phương thông qua phù hợp với bộ luật xây dựng quốc gia.
 
Giá cao xứng đáng
 
Graeme McIndoe, kiến trúc sư và nhà thiết kế đô thị, gần đây đã trở thành nhà tư vấn cho Chính phủ New Zealand trong tổ chức tư vấn kỹ thuật đô thị của nước này. Ông xác nhận: “Chúng tôi đã có một hệ thống kiểm soát xây dựng mạnh thực sự. Hệ thống này giúp chúng tôi nhận biết các mối nguy cơ động đất và kiểm soát chúng”.
 
Theo ông McIndoe, điều then chốt là xây dựng các tòa nhà bằng nguyên vật liệu mềm dẻo. Như thế, chúng không bị gãy bất ngờ và đổ sụp khi có động đất. Để đạt được mục tiêu này, hầu hết nhà ở hiện đại đều được xây dựng bằng khung gỗ nhẹ và có thể chịu được lực. Trong khi đó, các tòa nhà thương mại gồm cấu trúc chủ yếu bằng bê tông cốt thép để đối phó với sức ép.
 
Tuy nhiên, thực ra bộ luật xây dựng nghiêm ngặt của New Zealand đã bị chỉ trích vì các quy định của nó khiến các công trình có giá rất cao.

Kiến trúc sư McIndoe cho biết: “Các yêu cầu không phải là vấn đề. Chúng tôi biết nếu như chúng tôi có một công trình xây dựng thực sự đúng đắn, chúng tôi sẽ trải qua động đất mà không bị mất mát về sinh mạng và tổn thất sẽ ở mức tối thiểu”.

 
Ở Christchurch, các tòa nhà cũ ở ngoại ô bị hư hại nhiều nhất trong khi đại đa số công trình kiến trúc vẫn giữ được tình trạng nguyên vẹn. Ông Pieter Burghout, Tổng Giám đốc BRANZ, cơ quan nghiên cứu an toàn xây dựng, xác nhận ở Christchurch, các tòa nhà xây bằng gạch đã bị tổn hại nặng nề nhất.