Kinh tế châu Á: Voi sẽ thắng rồng (*).- Trung Quốc đang cải thiện môi trường kinh tế tư nhân
Một số kinh tế gia Trung Quốc (TQ) không đồng ý với những kết luận đưa ra trong công trình nghiên cứu so sánh kinh tế Ấn Độ với kinh tế TQ của giáo sư Hoàng Á Thịnh và Tarun Khanna. Ông Jesse Lu, Giám đốc đầu tư chiến lược của Công ty Legend - nhà sản xuất máy tính hàng đầu ở TQ, nhận định rằng mô hình phát triển kinh tế của Ấn Độ chủ yếu dựa vào vốn đầu tư trong nước, không có ưu thế hơn nền kinh tế TQ chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài (FDI).
Ông nói: “Nguồn gốc vốn đầu tư không quan trọng, vấn đề là ai điều hành công việc. Ở TQ chủ yếu do người TQ quản lý”. Một kinh tế gia TQ khác, ông Vương Kiện, lưu ý: “Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mang vào tiền bạc mà họ còn có công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý rất cần thiết cho chúng tôi”.
Nữ giáo sư Trương Mẫn Cầu ở trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận xét: “Ấn Độ đang tích cực học hỏi kinh nghiệm TQ, xây dựng các khu chế xuất, tích cực thu hút FDI để phát triển xuất khẩu”. Vẫn theo bà Cầu, ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và một số ngành kỹ thuật cao giúp Ấn Độ có được những công ty mang tầm cỡ thế giới, nhiều lãnh vực khác của Ấn Độ không cạnh tranh nổi trên trường quốc tế bởi vì “các chính sách bảo hộ làm cho họ thiếu lửa cạnh tranh. Điều này cũng khá rõ đối với lĩnh vực IT. Nhà nước không bảo hộ họ vì thị trường IT trong nước không cần bảo hộ. Nhờ vậy mà họ phát triển nhanh và có sức cạnh tranh với quốc tế”. Ngoài ra, TQ hãy còn kém Ấn Độ trong lĩnh vực này vì thiếu kỹ sư có kinh nghiệm, giao tiếp bằng tiếng Anh chưa lưu loát cho nên chưa thể khẳng định mình ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo bà, TQ sẽ không để Ấn Độ ngủ lâu trên chiến thắng.
Ông Hạo Kiến Thanh, một chuyên viên tư vấn kinh doanh, cho biết hiện nay TQ đã bắt đầu coi trọng ngành công nghiệp phần mềm. Trong những năm gần đây, xuất khẩu phần mềm của TQ đã tăng lên gần 100%. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu phần mềm của TQ đã đạt 1,5 tỉ USD. TQ cũng đã bắt đầu xây dựng những công viên phần mềm, mở viện huấn luyện phần mềm, thuê cả kỹ sư Ấn Độ.
Nữ giáo sư Cầu, tuy nhiên, đồng ý với các tác giả công trình nghiên cứu của các giáo sư người Mỹ gốc châu Á rằng Chính phủ TQ cần phải phát triển mạnh các công ty có vốn trong nước. Hiện nay, ở TQ có đến 50% hàng xuất khẩu do các công ty có vốn FDI sản xuất, trong khi chỉ có 20% hàng xuất khẩu do các công ty, xí nghiệp trong nước sản xuất. Bà Cầu cũng nhìn nhận rằng Ấn Độ biết tạo môi trường thích hợp để các công ty trong nước phát triển tốt bằng cách xóa bỏ những quy định bất lợi cho các công ty tư nhân kể từ thập niên 1990. Về vấn đề này, TQ đi chậm hơn Ấn Độ. Theo bà Cầu, ở TQ các công ty quốc doanh và công ty nước ngoài có nhiều lợi thế hơn công ty tư nhân.
Một yếu tố khác bất lợi cho TQ là Ấn Độ có hơn 100 năm phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong khi mãi đến cuối thập niên 1970, TQ mới bắt đầu xây dựng kinh tế thị trường. Do đó, không lạ gì mà kinh tế tư nhân ở Ấn Độ được quản lý tốt hơn, năng động hơn so với TQ. Ấn Độ cũng có hệ thống giáo dục bậc đại học tốt hơn TQ, luật pháp cũng hoàn chỉnh hơn. Báo chí Ấn Độ giám sát chính phủ tốt hơn, ngăn ngừa được tệ tham nhũng.
Cái giống nhau giữa Ấn Độ và TQ là khu vực kinh tế quốc doanh của cả hai đều kém hiệu quả, cải cách ì ạch. Hiện nay, hai nước đã nhận thức được các khâu yếu kém của mình cho nên Ấn Độ đang ra sức thu hút FDI, còn TQ cũng đang cố gắng cải thiện môi trường thuận lợi cho các công ty địa phương hoạt động có hiệu quả.
Văn Anh
(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 25-8-2003