Lâm Bưu chết như thế nào?
Nhân kỷ niệm 40 năm bùng nổ “cách mạng văn hóa” của Trung Quốc (TQ), Nhà Xuất bản Thanh niên TQ vừa phát hành cuốn sách Chuyện xảy ra ở đại sa mạc thuật lại chi tiết về cái chết của Lâm Bưu, một thời từng được coi là người thừa kế Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Tác giả cuốn sách là Tôn Nhất Tiên, Bí thư Đại sứ quán TQ tại Ulan Bator, Mông Cổ, từ năm 1966. Đây là lần đầu tiên, cái chết bí ẩn của Lâm Bưu, được kể lại công khai.
![]() |
Chủ tịch Mao và Lâm Bưu (phải) tại lễ đài Thiên An Môn tháng 10-1967 |
Sáng sớm 13-9-1971, đại sứ TQ vừa nhậm chức tại Ulan Bator Hứa Văn Ích được đột ngột triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mông Cổ để nghe thông báo có một máy bay quân sự TQ rớt sau khi xâm phạm trái phép không phận Mông Cổ và được yêu cầu giải thích vụ việc. Trở về sứ quán, ông Hứa thông báo với nhân viên chiếc máy bay bị rớt vào lúc 2 giờ 25 sáng 13-9 xuống vùng đồng cỏ cách biên giới TQ - Mông Cổ 350 km, làm chết toàn bộ 9 hành khách, trong đó có phi công tên Lâm Lập Quốc, 24 tuổi, con trai Lâm Bưu và một phụ nữ. Sau khi chụp ảnh hiện trường, các xác chết được phía Mông Cổ chôn lấp ở gần nơi máy bay rớt.
Đại sứ TQ trở về Bắc Kinh được đưa thẳng tới Bộ Ngoại giao và bị quản thúc trong 2 tuần không được về nhà để khỏi tiết lộ mọi chuyện cơ mật. Ngay trong đêm, ông được đưa tới phòng Phúc Kiến của Đại lễ đường nhân dân gặp Thủ tướng Chu Ân Lai đang chờ đợi. Ông Chu hỏi ngay: “Chỗ máy bay rớt cách thành phố Irkutsk của Liên Xô bao xa?”. Ông Chu cho biết máy bay cất cánh từ Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc, nơi địa đầu Vạn Lý Trường Thành giáp biển. Ông xem kỹ các bức ảnh, đặc biệt là ảnh chụp xác Lâm Bưu mang mã số 5. Mãi tới ngày 3-10, tại cuộc họp ở Bộ Ngoại giao, đại sứ Hứa Văn Ích mới biết đó là xác Lâm Bưu và chiếc máy bay rớt không phải do bị không quân TQ, Liên Xô hoặc Mông Cổ bắn mà do hết nhiên liệu, phải hạ cánh khẩn cấp và bốc cháy.
Sau khi tin đồn loan ra, quân đội Liên Xô cử người tới nơi máy bay rớt, đào xác Lâm Bưu, cắt xương sọ, tóc và da mang về Moscow tiến hành xét nghiệm tia X-quang đối chiếu với hồ sơ bệnh án của Lâm Bưu trong thời gian điều trị bệnh lao tại Liên Xô, để có kết luận chính xác. Chiếc hộp đen của máy bay cũng được mang về Moscow. Tháng 6-1972, Bắc Kinh chính thức thông báo Lâm Bưu, 63 tuổi, chết trên đường chạy trốn sang Liên Xô sau âm mưu đảo chính thất bại.