Lật lại hồ sơ mật vụ đảo chính ở Indonesia năm 1965

Một số tư liệu và hồ sơ mới cho thấy chi tiết cuộc đảo chính năm 1965 đẫm máu nhất lịch sử chính trường Indonesia, giết hại từ 500.000 đến 1 triệu đảng viên Cộng sản, chưa kể hàng chục ngàn người “tình nghi” bị bắt. Hồ sơ còn cho thấy nhiều bàn tay bí mật đứng sau vụ này...

Tại sao?

Ở thời điểm 1965, Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) có số đảng viên đông nhất thế giới, sau Trung Quốc và Liên Xô. PKI có 3,5 triệu đảng viên, chưa kể 3 triệu đoàn viên thanh niên Cộng sản. Ngoài ra, PKI còn lãnh đạo phong trào liên đoàn lao động gồm 3,5 triệu người và 9 triệu nông dân. Tuy nhiên, chỉ sau cuộc đảo chính ngày 1-10-1965 của tướng Suharto, với sự dàn dựng và chỉ đạo trực tiếp từ các cố vấn Mỹ, Anh, Úc, rất nhiều đảng viên Cộng sản đã bị giết hại... Cuối năm 1957 và sau đó là giai đoạn 1964-1965, ông Sukarno (tổng thống (TT) đầu tiên của Indonesia, 1945-1968) gần như không thể kiểm soát được tình hình phức tạp của đất nước. Hàng loạt cuộc biểu tình của công nhân, nông dân diễn ra, chống lại sự thao túng của giới chủ tư bản Hà Lan, Mỹ và Anh. Mỹ phản ứng trước tình hình này bằng cách cắt nguồn viện trợ nước ngoài cho TT Sukarno đồng thời xây dựng các mối liên hệ với quân đội Indonesia. Từ giữa thập niên 1950, Mỹ bắt đầu huấn luyện cũng như cung cấp trang thiết bị cho quân đội nước này. Tất cả đều nhằm mục đích làm cuộc đảo chính lật đổ Sukarno. Âm mưu đảo chính lần thứ nhất trở thành hiện thực vào tháng 11-1956 khi đại tá - phó tham mưu trưởng Zulkifli Lubis tìm cách vây hãm Jakarta nhưng thất bại. Tháng sau, các cuộc bạo động quân sự cũng xảy ra tại nhiều vùng ở Trung và Bắc Sumatra. Suốt từ 1957-1958, CIA đã kích động các cuộc bạo loạn tại những vùng dầu hỏa như Sumatra và Sulawesi, nơi Công ty dầu Caltex và nhiều công ty dầu khác của Mỹ đang đầu tư mạnh. Từ 1959-1965, Mỹ đã cung cấp 64 triệu USD cho các tướng lĩnh thuộc phe đối lập. Mục đích của Washington là loại trừ Đảng Cộng sản và phong trào đấu tranh chống thực dân hóa ở Indonesia để an tâm đầu tư kinh tế lẫn chính trị.

Sự kiện: Đầu tiên, đội hành động được phái tới nhà Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Harris Nasution (người thân thiện nhất với Tòa đại sứ Mỹ và CIA) đã làm hỏng việc khi để Nasution trốn thoát. Thứ hai, không ai được gửi đến để thương lượng với tướng Suharto (lúc đó là chỉ huy trưởng lực lượng dự bị chiến lược). Bởi thế, ngày 1-10, Suharto – với sự ủng hộ của tướng Nasution – đã nhanh chóng diệt trừ phản loạn.

Theo báo Úc Sydney Morning Herald, tư liệu thu thập được dựa chủ yếu vào cuộc phỏng vấn cựu sĩ quan Bungkus và những thông tin trước đó do cựu trung tá Abdul Latief cung cấp. Cả hai đều bị bắt giam vì can tội dính vào vụ nổi loạn quân sự mà người ta cho rằng do PKI kích động, xảy ra vào ngày 30-9-1965. Hai người này được thả vào tháng 3-1999 (Abdul Latief chết vào ngày 6-4-2005). Hàng trăm người khác đã bị tra tấn và hành hình. Cuộc chính biến xảy ra vào đêm 30-9, khi các sĩ quan đối lập bắt 6 viên tướng cấp cao nhất của quân đội Indonesia và giết họ bằng cách chặt từng khúc! Ngay hôm sau, tướng Suharto xuất hiện, dẹp tan cuộc bạo loạn và chiếm giữ Jakarta. Hồi đó, người ta tin rằng nhóm bạo loạn được PKI kích động nhưng Bungkus và Latief bây giờ khai rõ rằng họ đã bị CIA dụ dỗ và sau đó bị vu cáo liên kết với Đảng Cộng sản.

Lời kể của Bungkus

Ở thời điểm đó, Bungkus là sĩ quan bảo vệ TT. Đêm 30-9, Bungkus được lệnh tham gia 1 trong 7 nhóm mang sứ mạng bắt và giết một số tướng lĩnh cấp cao. Trong cuộc họp ngắn, Bungkus và nhóm sĩ quan trực tiếp hành động được viên chỉ huy – trung úy Dul Arief – cho biết một số viên tướng chóp bu đang thành lập một “Dewan Jenderal” (Ủy ban các tướng lĩnh) nhằm mục đích lật đổ TT Surkano. Kế hoạch hành động của nhóm Bungkus sau đó đã thất bại.

Cựu trung tá Latief khai rằng ông đã đích thân tường trình kế hoạch với Suharto và ông này biết chắc vào ngày 30-9, 7 viên tướng sẽ bị bắt và áp giải đến Bung Karno (tức TT Sukarno)”. Latief còn khai rõ rằng ông đến quân y viện để gặp Suharto, khi viên tướng này vào thăm bệnh con trai Tommy và không thấy Suharto phản ứng gì khi nghe nói đến âm mưu đảo chính của 7 viên tướng. Latief còn nêu ra một tài liệu chứng minh rằng người Anh và Mỹ đã can dự vào mưu đồ lật đổ Sukarno của 7 viên tướng. Tài liệu bị rò rỉ này – một bức thư từ Đại sứ Anh Andrew Gilchrist – cũng tiết lộ rằng Anh có làm việc với CIA”.

Danh sách tử thần

Từ tháng 10-1965 đến tháng 2-1966, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Marshall Green đã gửi về Washington nhiều bức điện báo cáo cho Ngoại trưởng Dean Rusk. Green đến Jakarta không lâu trước khi cuộc đảo chính xảy ra.

Đại sứ Mỹ Marshall Green có vai trò rất quan trọng trong cuộc chính biến tháng 10-1965. Green chết vào ngày 6-6-1998 vì bệnh tim ở tuổi 82. Suốt từ tháng 10-1965 đến đầu năm 1966, Green đã gián tiếp gây sức ép buộc các cơ quan thông tấn và báo chí Indonesia lên tiếng chống Cộng, vu cáo PKI làm rối loạn trật tự chính trường khi can dự vào cuộc bắt giữ các tướng lĩnh. Những gì Green làm tại Indonesia hệt như Lansdale đã làm ở Nam Việt Nam khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Vị thế và vai trò của Green thậm chí còn cao hơn: được phái sang Nam Triều Tiên hai lần, Nhật hai lần, Hồng Kông, New Zealand, Indonesia và sau đó là Úc. Ông từng giữ cương vị thứ trưởng ngoại giao 2 năm, đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, từng là cố vấn của Henry Kissinger khi Kissinger là ngoại trưởng và từng đi theo TT Nixon thăm Trung Quốc năm 1972...

Sự cố tháng 10-1965 là kết quả của chiến dịch được dàn dựng cẩn thận và lên kế hoạch lâu dài do CIA và số tướng tá Indonesia được Mỹ nuôi dưỡng tiến hành. Tối 30-9-1965, nhóm sĩ quan do Mỹ kích động (mà một người trong số đó có liên quan mật thiết với Suharto) đã bắt và hành hình tướng tham mưu trưởng Ahmad Yani và 5 viên tướng cấp cao khác rồi tuyên bố thành lập Ủy ban Cách mạng. Sự vây bắt này không nhằm vào một gương mặt quan trọng: tướng Suharto (chỉ huy trưởng lực lượng dự bị chiến lược). Điều này từng trở thành câu hỏi khó lý giải nhất khi nói đến sự cố tháng 10-1965. Sau khi lánh nạn ở căn cứ không quân Halim, TT Sukarno trở về và ngày 15-10-1965, chỉ định Suharto làm tham mưu trưởng. Năm tháng sau, ngày 11-3-1966, Sukarno trao quyền tối thượng cho Suharto để “bằng bất cứ giá nào” cũng phải tái lập trật tự. Hành động đầu tiên của Suharto là loại PKI ra ngoài vòng pháp luật. Tháng 3-1967, ông làm quyền TT và trở thành TT chính thức trong cuộc bầu cử vào năm sau...