Lệ thuộc vào tư nhân
Mỹ có lẽ là nước duy nhất trên thế giới sử dụng tư nhân để làm công tác tình báo với quy mô lớn. Điều này dẫn đến một hệ quả đáng quan ngại: Tình báo Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào các công ty tư nhân
Tháng 6 rồi, trên tường trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), người ta dựng một tấm bia đá tưởng niệm 22 đặc vụ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ sau sự kiện ngày 11-9-2001. Đáng chú ý là trong số này có 8 nhân viên công ty trách nhiệm hữu hạn đối tác của CIA.

Gắn sao trên bia tưởng niệm đặc vụ CIA hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ,
trong đó có 8 nhân viên công ty tư nhân. Ảnh: CIA
Chằng chịt, cồng kềnh
Sử dụng nhân lực tư nhân để chống khủng bố và làm tình báo là một giải pháp tình thế của các cơ quan tình báo Mỹ sau sự kiện ngày 11-9-2001.
Tuy nhiên, việc làm này hiện nay được mở rộng đến mức các cơ quan này phụ thuộc quá nhiều vào các công ty tư nhân mà hiệu quả cuối cùng lại không cao.
Trong bài thứ hai của loạt bài “Nước Mỹ tuyệt mật” có tiêu đề “Công ty trách nhiệm hữu hạn An ninh Quốc gia”, các tác giả nhật báo Washington Post, sau hai năm điều tra, phát hiện ra rằng tất cả các cơ quan tình báo và chống khủng bố Mỹ đều sử dụng nguồn lực tư nhân ngày càng nhiều.
Hiện có 1.931 công ty tư nhân thực hiện những công việc thuộc loại tuyệt mật, trong đó có 800 công ty chuyên về công nghệ thông tin.
Vấn đề đặt ra là liệu các cơ quan liên bang có còn kiểm soát nổi các hoạt động bí mật nhất của mình hay không. Trong các bài phỏng vấn của Washington Post, cả Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates lẫn giám đốc CIA Leon Panetta đều thừa nhận đó là một vấn đề đáng quan ngại.
Lúc đầu, người dân không biết chuyện này. Đây là một trong những tuyệt mật của Mỹ. Cuộc liên kết cũng không được giám sát chặt chẽ. Nó chằng chịt và cồng kềnh đến nổi không thể xác định hiệu quả của nó.
Phụ thuộc quá mức
Vai trò của những công ty tư nhân liên kết với các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ càng ngày càng quan trọng. Theo điều tra của Washington Post, trong số 854.000 nhân viên được sàng lọc kỹ về mặt an ninh, có 265.000 nhân viên hợp đồng của các công ty an ninh tư nhân.
Xét về tính phụ thuộc vào tư nhân, CIA là một ví dụ điển hình. CIA là cơ quan tình báo duy nhất ở Mỹ được phép sử dụng công ty tư nhân hoạt động ở nước ngoài.
Những công ty này có quyền tuyển mộ nhân viên tình báo ở Iraq, hối lộ để thu thập thông tin tình báo ở Afghanistan và bảo vệ các nhà lãnh đạo CIA đi công tác ở nước ngoài.
Nhân viên công ty cũng từng giúp bắt một phần tử cực đoan trên đường phố Ý, thẩm vấn tù nhân trong các nhà tù bí mật của Mỹ ở nước ngoài và giám sát những kẻ đào thoát sang Mỹ sống ở vùng ngoại ô Washington.
Tại Langley, tổng hành dinh CIA, nhân viên công ty phân tích các mạng lưới khủng bố. Tại cơ sở huấn luyện của CIA ở Virginia, họ giúp đào tạo một thế hệ điệp viên Mỹ mới.
Có một điểm ít ai biết là tổng thống George W. Bush và Quốc hội Mỹ, thông qua cấp duyệt ngân sách, đã bật đèn xanh cho CIA và các cơ quan liên quan đến công tác chống khủng bố thuê nhân viên tư nhân nhiều hơn công chức.
Họ làm như vậy để hạn chế quy mô lực lượng chính quy và quan trọng hơn hết là đỡ tốn kém hơn. Tuy nhiên, quan niệm tiết kiệm này, sau 9 năm thực tiễn, là một sai lầm.
Một cuộc nghiên cứu của Cơ quan Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), đứng đầu các cơ quan an ninh tình báo Mỹ, cho thấy nhân viên công ty chiếm 29% lực lượng lao động của ngành tình báo Mỹ nhưng ngốn đến 49% quỹ lương.
Mức độ lệ thuộc vào tư nhân đang gây ra nhiều quan ngại. Thế nhưng, như Giám đốc CIA Panetta thú nhận: “Chúng ta lệ thuộc quá lâu vào các công ty tư nhân làm những công việc mà chúng ta phải làm. Vì vậy, thay thế họ không phải là chuyện một sớm một chiều là làm được”.
Ông Panetta cũng nhận thức được rằng: “Các công ty làm việc gì trước hết cũng đều vì lợi ích cổ đông của công ty. Điều này không tránh khỏi chuyện xung đột giữa lợi ích quốc gia và lợi ích công ty”.
Chảy máu nhân tài
Một trong những lý do để các cơ quan liên bang tin cậy vào các công ty tư nhân là chất lượng nhân sự. Các chuyên viên của những công ty này đều là người giỏi của cơ quan an ninh quân đội và tình báo chính phủ được các công ty tư nhân rước về trả lương gấp hai, gấp ba lần lương chính phủ.
Để giành giật được những người giỏi, các công ty không ngại cạnh tranh với nhau bằng cách ngoài lương cao, tặng xe BMW và 15.000 USD tiền thưởng như Công ty Raytheon – một đại gia trong giới nhà thầu quân sự tư nhân Mỹ - đã làm hồi tháng 6 vừa qua đối với các chuyên viên phát triển phần mềm có độ tin cậy cao về mặt an ninh, một yêu cầu hàng đầu của các cơ quan liên bang khi ký kết hợp đồng.
Hậu quả của việc nhân tài cơ quan chính quyền chạy sang lĩnh vực tư nhân là các cơ quan an ninh, tình báo chính phủ chỉ còn nhân viên và chuyên viên trẻ non kinh nghiệm.
Ở CIA chẳng hạn, có đến 1/3 lực lượng lao động – tức vào khoảng 10.000 vị trí - bị hút về 114 công ty tư nhân. Phần lớn làm theo thời vụ, lương cao nhưng công việc nhàn nhã.
Với chất lượng cao như thế, hầu hết nhân viên công ty tư nhân làm những công việc chủ yếu của cơ quan chính phủ. Không có họ, các cơ quan chính phủ khó hoàn thành nhiệm vụ.
Ronald Sanders, từng phụ trách quỹ nhân sự của ODNI, thừa nhận với Washington Post: “Không có họ, chúng tôi khó thực hiện được nhiệm vụ của mình. Họ là “lực lượng hậu bị” của chúng tôi, tinh thông về chuyên môn, điều mà chúng tôi không có. Khi hợp đồng tác chiến, chúng tôi xem họ là một bộ phận của lực lượng chính quy”.