Liệu pháp cho người phá sản

Những người phá sản ở Đức đang tìm cách vượt qua cú sốc này bằng cách tham gia các nhóm được lập ra để giúp đỡ họ

“Xin chào. Tôi tên là Louise. Tôi 68 tuổi và đã bị phá sản kể từ năm 2007”. Đây là những lời giới thiệu điển hình tại một buổi sinh hoạt của Insolvents Anonymous, một nhóm được lập ra để giúp đỡ người phá sản ở Đức. Nhóm này hoạt động dựa trên mô hình Alcoholics Anonymous - nhóm giúp đỡ người nghiện rượu vốn rất phổ biến khi kinh tế nước này gặp khó khăn.


Gần 100.000 người phá sản


Tương tự nhóm Alcoholics Anonymous, các thành viên của nhóm Insolvents Anonymous thường không cho biết đầy đủ họ tên. Ngoài ra, những người tham gia các cuộc gặp mặt của nhóm chia sẻ nỗi đau phá sản của mình với hy vọng giúp người khác chấp nhận sự thật.

Ông Attila von Unruh, người sáng lập mạng lưới Insolvents Anonymous, cho hãng tin AFP biết: “Điều khá đặc biệt ở Đức là người phá sản đối mặt với quá nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục sau cú sốc này. Đó là cảm giác thất bại và trách nhiệm. Đó cũng là điều gì đó rất khó đề cập, ngay cả đối với những người thân yêu và gần gũi nhất của họ”.


Ông nói thêm rằng từ “Schuld” trong tiếng Đức vừa có nghĩa “món nợ” vừa có nghĩa là “tội lỗi”. Vào nhiều thế kỷ trước, người ta bị tống giam vì phá sản ở Đức và điều cấm kỵ này hiện vẫn tồn tại.  Ông Unruh, 48 tuổi, bị phá sản sau khi công ty tổ chức sự kiện của ông chấm dứt hoạt động. 

Sau đó, ông nảy ra ý tưởng thành lập Insolvents Anonymous để đáp ứng một nhu cầu đang tăng nhanh. Insolvents Anonymous có buổi gặp đầu tiên ở thành phố Cologne và hiện đã có  6 nhóm hoạt động ở khắp nước Đức.

img
Tài liệu liên quan đến nợ nần tại một trung tâm giúp đỡ người gặp khó khăn tài chính ở Đức. Ảnh: AFP


Ông Joachim Niering, chuyên gia tư vấn cho người phá sản, dự báo rằng nhiều nhóm tương tự Insolvents Anonymous sẽ được thành lập trong năm nay. Kinh tế nước Đức vào năm ngoái đã có sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ thế chiến thứ II, với số trường hợp phá sản và vỡ nợ tăng kỷ lục.

Theo Viện Creditreform, số doanh nghiệp vỡ nợ tăng 16% trong năm 2009. Trong khi đó, gần 100.000 cá nhân bị phá sản trong năm ngoái, nhưng con số này dự kiến sẽ gia tăng trong năm 2010 do tác động của khủng hoảng kinh tế.


Cùng nhau vượt khó


Tại Đức, việc phá sản là một tiến trình kéo dài và gây đau đớn. Ông Niering nhận định: “Cuộc sống của bạn thay đổi hoàn toàn. Bạn không thể thuê xe hơi hoặc mua bất kỳ thứ gì trên internet vì bạn không được phép sử dụng thẻ tín dụng. Bạn bị chia cắt với phần lớn cuộc sống xã hội của mình”. Vì thế, theo ông Niering, việc biết được rằng không chỉ mình bạn rơi vào tình cảnh này có thể là một niềm an ủi lớn.


Bà Louise, người được nhắc đến ở trên, đồng tình: “Từ lâu, tôi không còn dám mở thùng thư để khỏi phải thấy những hóa đơn được gửi đến. Tuy nhiên, việc tham gia nhóm này (Insolvents Anonymous) mang đến cho tôi nguồn động viên mạnh mẽ”. Bà Louise, một cựu luật sư và công chứng viên, rơi vào cảnh nợ nần và bị phá sản sau khi bị trầm cảm từ vụ ly dị. Bà hiện sống với khoản tiền ít ỏi 350 euro/tháng.


Không chỉ được sự hỗ trợ từ bên ngoài, các thành viên còn nhận được sự giúp đỡ của chính những người có cùng cảnh ngộ trong nhóm. Ông  Unruh nói: “Tại các cuộc gặp, một cựu giám đốc điều hành một doanh nghiệp nhiều triệu euro bị phá sản có thể hướng dẫn cho một người thất nghiệp đang mắc nợ 15.000 euro cách thức chuẩn bị cho một cuộc gặp với đại diện ngân hàng. Đáp lại, người thất nghiệp này có thể chỉ cho cựu doanh nhân nói trên nơi mua sắm rẻ nhất”.