Lời đe dọa trống rỗng

Mỹ và Phương Tây sẽ “không bao giờ cô lập được Nga trên trường quốc tế”. Đó là khẳng định của ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, hôm 2-3 sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu đe dọa trừng phạt kinh tế Moscow vì tội “chiếm đóng” bán đảo tự trị Crimea của Ukraine.

Có nhiều lý do để ông Pushkov tự tin như thế. Theo nhận định của báo The Guardian (Anh), Tổng thống Mỹ Barack Obama không có nhiều lựa chọn nếu muốn trả đũa Nga bởi dù gì ông vẫn cần sự giúp đỡ của Moscow tại hàng loạt điểm nóng khác như khủng hoảng Syria, vấn đề hạt nhân của Iran…

Vì thế, nếu mọi chuyện đúng như Tổng thống Vladimir Putin tính toán, “cái giá” mà Nga phải trả cho hành động đưa quân sang Ukraine là không đáng kể. Washington nhiều khả năng sẽ tẩy chay Hội nghị Cấp cao G8 sắp tới, đóng băng quan hệ ngoại giao hoặc tiến hành một số biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại. Giải pháp quân sự dường như bất khả thi vào lúc này bởi Mỹ đang thiếu tiền, trong lúc người dân không muốn thấy đất nước dính líu đến một cuộc chiến khác.

 

Biểu tình phản đối Nga xâm chiếm Crimea bên ngoài trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussel - Bỉ. Ảnh: Reuters
Biểu tình phản đối Nga xâm chiếm Crimea bên ngoài trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussel - Bỉ. Ảnh: Reuters

 

Lịch sử cũng cho thấy một khi Nga nhận thấy lợi ích của mình bị đe dọa, nước này luôn sẵn lòng trả giá, như cuộc chiến Georgia năm 2008. Mặt khác, ông Putin có thể không mấy bận tâm đến những tổn thất trong quan hệ kinh tế Mỹ - Nga, nếu có, một khi ông đã chịu chi hơn 50 tỉ USD cho Thế vận hội mùa đông Sochi để đánh bóng hình ảnh đất nước.

Đã vậy, không như Mỹ, châu Âu không mặn mà mấy với lời đe dọa trừng phạt Nga bởi quan hệ kinh tế giữa hai bên sâu sắc hơn nhiều. Nhiều nước ở châu lục này đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt và dầu từ Moscow. Đó là lý do một số thành viên Liên minh châu Âu đã kêu gọi quốc tế, có thể là Liên Hiệp Quốc, đứng ra trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Tóm lại, ông Keir Giles, một chuyên gia về quân sự Nga tại Trung tâm Chatham House (Anh), nhận định: “Mỹ, NATO và các nước khác đã đưa ra nhiều lời lẽ mạnh mẽ nhưng chúng hầu như trống rỗng. Họ thực sự không có được biện pháp tương xứng nào có thể tác động đến tình hình hiện nay”.