Một âm mưu giết người hoàn hảo

Trong câu chuyện Aafia Siddiqui bị bắt tại Afghanistan ngày 17-7-2008 có nhiều uẩn khúc đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Thậm chí, luật sư riêng của gia đình Siddiqui nêu ra một giả thuyết: CIA âm mưu tạo ra một vụ giết người hoàn hảo

Kuliane von Mittelstaeddt trên tờ báo Đức Der Spiegel cho biết mọi việc bắt đầu từ một vụ bắt giữ khác xảy ra cách nay hơn 5 năm. Hôm ấy là ngày 1-3-2003. Khalid Sheikh Mohammed, người được cho là tác giả kế hoạch tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, bị bắt tại thành phố Rawalpindi của Pakistan. Khalid là con cá lớn nhất của Al-Qaeda bị cơ quan an ninh Mỹ bắt được từ trước tới nay trong cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda.

Khalid bị CIA giam giữ ở một nơi bí mật để khai thác. CIA muốn biết bên trong tổ chức Al-Qaeda có những ai, mưu đồ gì. Không rõ Khalid đã khai ra những gì. Chỉ biết rằng sau đó không lâu, nhiều người đã bị bắt. Hình như Khalid có đề cập tới cái tên Aafia Siddiqui.

Đối với CIA, bất cứ cái tên nào được Khalid xì ra đều là nhân vật quan trọng của Al-Qaeda. Như vậy có thể nói Khalid Sheikh Mohammed đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bắt giữ và giam cầm Aafia Siddiqui.

Một sự kiện, nhiều câu hỏi

Nữ tiến sĩ Aafia Siddiqui đã bị bắt trong tình huống nào? Có nhiều lời tường thuật hơi khác nhau về vụ này. Các nguồn tin ban đầu nói do Aafia mặc áo choàng ngồi thu lu trước cổng giáo đường có vẻ lén lút sắp làm một chuyện gì đó, chẳng hạn như cho nổ quả bom giấu trong người theo kiểu đánh bom liều chết, cho nên có người gọi điện thoại báo cảnh sát đến bắt.

Nhưng viên tư lệnh cảnh sát ở Ghazni lại có một cách lý giải khác. Tư lệnh Ghani Khan cho biết do người ngồi sụp trước cổng giáo đường là một phụ nữ và những người hiếu kỳ vây quanh người phụ nữ này có nguy cơ tử vong rất nhiều nếu người phụ nữ nọ là một kẻ đánh bom liều chết. Vì vậy, ông ra lệnh bắt ngay người phụ nữ lạ mặt đáng nghi.

Một cảnh sát viên tên Bashir tham gia vụ bắt giữ Aafia kể lại lúc đó người phụ nữ đang nguyền rủa những người đàn ông hiếu kỳ khi cảnh sát đến bắt giải chị đi: “Mấy người là đồ bất trung. Đừng có đụng đến ta”. Chị gào lên ba lần câu này bằng tiếng mẹ đẻ Urdu.

img
Khalid Sheikh Mohammed

Lúc đầu không ai hiểu người phụ nữ nói gì. Hekmatullah, chủ một cửa tiệm gần đó, thông dịch lại cho cảnh sát nghe. Bashir còn nhớ rõ Aafia mang hộ chiếu Pakistan. Chị đưa cho Bashir và yêu cầu anh đốt bỏ. Anh cũng còn nhớ chuông điện thoại di động của Aafia réo lên hai lần, có thể là cuộc gọi từ Pakistan.

Khám xét hai túi xách của Aafia, cảnh sát không tìm thấy chất nổ, chỉ thấy nhiều chai bằng nhựa dẻo nhỏ đựng hóa chất, một máy tính xách tay và tài liệu viết bằng tiếng Urdu và tiếng Anh về “bom bẩn”, vũ khí sinh học và những tờ giấy tuyển mộ chiến binh Thánh chiến.

Tại sao Aafia Siddiqui đột nhiên có mặt trước giáo đường Hồi giáo Bazazi ở Ghazni, Pakistan, ngày 17-7-2008? Câu hỏi này cho tới bây giờ vẫn chưa có ai giải thích một cách thỏa đáng ngoài lời giải thích của Aafia Siddiqui.

Theo Aafia, đó là lệnh của những người bắt cóc chị. Họ bảo chị phải tuân theo kế hoạch của họ đến Ghazni. Đó cũng là điều kiện để chị được trả tự do sau 5 năm bị giam cầm tra tấn. Tất cả những tang vật đáng nghi kể trên là do đám vệ sĩ đưa chị tới Afghanistan nhét vào túi xách của chị. Với những đồ vật khả nghi như thế chị sẽ bị bắt như một kẻ tình nghi khủng bố là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng tại sao họ làm như vậy?

Mượn tay giết người

Elaine Whitefield Sharp là luật sư riêng của gia đình Siddiqui từ năm 2003 đến nay. Bà đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ của Aafia Siddiqui. Theo bà, chỉ có thể giải thích câu chuyện lạ lùng nói trên như sau: Người Mỹ sau khi bắt cóc Aafia và khai thác triệt để nhưng không tìm thấy những gì họ muốn và cũng không biết phải làm gì tiếp theo đó. Đưa Aafia Siddiqui trở lại Afghanistan là một giải pháp tốt nhất.

Có phải họ hy vọng cảnh sát Afghanistan sẽ bắn chết Aafia Siddiqui như một phần tử khủng bố? Theo bà Elaine, rất có thể đó là ý đồ của người Mỹ.

Họ biết rất rõ ở Afghanistan, số phận những kẻ tình nghi đánh bom liều chết được xử lý rất nhanh. Kẻ tình nghi nếu là đàn ông sẽ bị bắn chết ngay trước khi bấm nút cho nổ những túi thuốc nổ mang trong người. Vì Aafia là phụ nữ cho nên cảnh sát Afghanistan đã không sớm ra tay. Âu cũng là số may cho chị.

Cái cách mượn tay người khác giết địch thủ là một trong các chiêu ruột của CIA. Theo bà Elaine, nếu thành công thì đây “sẽ là một vụ giết người hoàn hảo”.

Có khá nhiều yếu tố bất thường trong vụ bắt bớ này. Ngoài những yếu tố kể trên, hai ngày trước đó, Abdul Rahim Dessiwal, công tố viên quận Andar, nhận được cú điện thoại của một người phụ nữ không chịu tiết lộ danh tánh thông báo rằng có một phụ nữ đánh bom liều chết đi với một đứa con trai đang trên đường tới Ghazni.

Và cuối cùng, điều gì xảy ra vài giây trước khi Aafia Siddiqui bị bắn trong ngày bị bắt? Chuyện này cũng không rõ ràng. Bản cáo trạng của công tố viên tại tòa án Manhattan cáo buộc chị giật cây M4 của nhân viên an ninh Mỹ, mở khóa an toàn, bắn vài phát nhưng không trúng ai. Một nhân viên Mỹ khác, do phản xạ tự vệ, đã bắn Aafia bị thương.

Tuy nhiên, nếu đã nghi ngờ Aafia Siddiqui là phần tử khủng bố thì liệu có người lính Mỹ nào lại hớ hênh đến mức bị một người phụ nữ chân yếu tay mềm giật súng? Theo bà Elaine, đây là một âm mưu sát hại nhưng may mắn thuộc về thân chủ của bà. Sau khi bị bắn, Aafia đã được chở vào Bệnh viện Bagram giải phẫu trong tình trạng thập tử nhất sinh.