Một huyền thoại đen

Sử dụng phụ nữ để đánh bom liều chết không phải là sáng kiến độc quyền của phiến quân Chesnia. Trước đây khá lâu, Al-Qaeda đã từng dùng chiêu này ở Iraq

Hiện tượng nữ đánh bom liều chết được biết đến cách đây 20 năm ở Lebanon. Trước đó nữa, năm 1985, một thiếu nữ Palestine vô danh lái một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ đâm vào một đoàn xe quân sự của Israel.


Lúc đó, các nữ cảm tử quân chủ yếu thuộc các tổ chức vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc không dính dáng gì đến tôn giáo, từ người Kurd nổi loạn theo chủ nghĩa ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tổ chức Hổ Tamil chống lại chính quyền Sri Lanka.

img

Hai trong số 19 “quả phụ áo đen” tham gia vụ tấn công nhà hát Dubrovka ở Moscow năm 2002. Ảnh: NTV


Vũ khí mới của Al-Qaeda


Trước năm 2005, Al-Qaeda ở Afghanistan, Iraq, Al-Qaeda trung ương và các tổ chức có liên quan trên toàn thế giới chưa nghĩ đến việc tuyển mộ phụ nữ vào đội quân cảm tử đánh bom liều chết. Đối với Al-Qaeda, trong thánh chiến, đàn ông là lựa chọn số một.


Chính al-Zarqawi, phó tướng của ông trùm Al-Qaeda Osama bin Laden, là người phá lệ. Theo thiếu tướng Rick Lynch, người phát ngôn của lực lượng liên quân do Mỹ cầm đầu ở Iraq, al-Zarqawi muốn tạo ra những hình ảnh gây sốc mạnh trong cuộc thánh chiến chống Mỹ. Vì vậy, y đã sử dụng phụ nữ như một vũ khí mới để làm người Mỹ khiếp sợ.

Có rất ít thông tin về nữ cảm tử quân đánh bom liều chết đầu tiên của Al-Qaeda ở Iraq trừ một chi tiết: Người phụ nữ này giả dạng đàn ông.

Hai tuần sau khi một chiến dịch do Mỹ cầm đầu “quét sạch địch” ở thị trấn Tall Afar gần biên giới Syria hồi tháng 9-2005, nữ cảm tử quân nói trên mặc áo thụng dài màu trắng, đầu đội khăn kẻ ô vuông mà đàn ông Ả Rập ở các thị trấn vùng sa mạc thường mặc, đi bộ đến một chỗ tuyển quân của Iraq mà không bị ai chú ý.

Chiếc áo thụng che khuất hoàn toàn chiếc đai nịt bụng chứa đầy thuốc nổ. Người phụ nữ vô danh kích nổ chiếc đai giết chết 5 người đàn ông, làm bị thương khoảng 30 người khác. Sự kiện này mở ra một chương mới không những cho cuộc chiến Iraq mà cho cả cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.

Tháng 10-2005, Al-Qaeda ở Iraq cho biết một nữ cảm tử quân thứ hai có chồng đi cùng để đánh lừa quân Mỹ đã đánh bom một đội tuần tra Mỹ ở Mosul. Sau đó một tuần, thêm một người thứ ba nhưng lần này không phải là phụ nữ Ả Rập mà là một phụ nữ Bỉ, Muriel Degauque, 38 tuổi.

Muriel sinh ra và lớn lên ở thành phố Charleroi, gần biên giới Pháp. Cô bỏ nhà đi bụi từ lúc còn là thiếu nữ. Rồi cô lấy chồng toàn là người theo đạo Hồi. Người chồng đầu tiên là một người Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là một người Algeria và cuối cùng một người Bỉ gốc Morocco có tư tưởng cực đoan như Al-Qaeda.


Vợ chồng sống ba năm ở Morocco. Khi Muriel trở về Bỉ, chị trùm khăn mặt như phụ nữ Hồi giáo, xử sự như là nô lệ của chồng. Ngay cả khi ở gần cha mẹ, chị cũng ít khi trò chuyện với họ.


Cuối cùng, gia đình hay tin chị đánh bom liều chết khi tấn công một đồn cảnh sát Iraq, gần thị trấn Baqubah, ngày 9-11-2005. Chồng chị bị lính Mỹ bắn chết ngay sau đó.


Đêm cùng ngày, ba khách sạn ở Amman, thủ đô Jordan, bị tấn công khủng bố. Al-Qaeda khoe trong số những người “tử vì đạo” có một phụ nữ.


Báo thù


Nghiên cứu 47 “quả phụ áo đen” từ 15 đến 38 tuổi, hai nhà tâm lý học Anne Speckhard và Khapta Akhmedova tìm hiểu họ là ai, hành động vì động cơ gì. Câu trả lời từ gia đình, bạn bè của các “quả phụ” là báo thù.

Chesnia là một trong sáu tỉnh ở vùng núi Kavkaz có đa số dân là tín đồ Hồi giáo nằm ở biên giới miền Nam nước Nga. Trong vùng có 90 bộ tộc khác nhau. Hầu hết dân theo đạo Hồi ở đây gần gũi với Iran hơn với Nga.

Tất cả các bộ tộc nói trên đều có một điểm chung là rất tôn trọng các giá trị truyền thống. Những giá trị này đôi khi chỏi cả luật pháp Nga lẫn luật Hồi giáo, trong đó báo thù là một giá trị sống còn của bộ tộc.


Nếu một thành viên của bộ tộc bị người ngoài giết, bổn phận của người trong bộ tộc là phải báo thù theo kiểu “nợ máu phải trả bằng máu”. Basayev đã lợi dụng đặc điểm này để tuyển mộ “cô nhi, quả phụ ” Chesnia.

Sau vụ thảm sát ở Trường Tiểu học số 1 thị trấn Beslan, Bắc Ossetia, Basayev bị quốc tế lên án kịch liệt. Basayev tuyên bố giải tán tiểu đoàn cảm tử quân Riyad us Saliheen năm 2004. Nhưng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tin rằng tiểu đoàn này vẫn tiếp tục hoạt động.


Năm ngoái, một người tự xưng là Said Buryatsky khoe khoang trên trang web Kavkaz Center của phiến quân rằng y đang huấn luyện một lớp “quả phụ áo đen” mới.

Buryatsky vốn là người Nga, tên thật là Alexander Tikhomirov, cải đạo Hồi, gia nhập phiến quân Chesnia sau khi học tập nhiều năm ở Ả Rập Saudi. Thủ lĩnh mới thay thế Basayev (bị tiêu diệt năm 2006) là Dokka Umarov, người mới đây lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ khủng bố xe điện ngầm ở Moscow hôm 29-3. Buryatsky mau chóng trở thành “nhà tư tưởng” của Umarov nhờ có học thức cao.


Theo FSB, Buryatsky đã huấn luyện được 30 nữ đánh bom liều chết, phần lớn là quả phụ. Chính y là người tổ chức vụ đánh bom chiếc Nevsky Express, xe lửa cao tốc hạng sang chạy tuyến đường Moscow - St.Petersburg, khiến 27 hành khách chết. Sau vụ này, Buryatsky bị FSB truy nã gắt gao và bị bắn hạ ngày 2-3 vừa qua tại Ingushetia.

FSB tin rằng hai “quả phụ áo đen” đánh bom tại xe điện ngầm ở Moscow vừa qua là một vụ báo thù cho Buryatsky. Ngày 30-3, nhật báo Kommersant dẫn nguồn tin FSB, cho hay tính đến bây giờ, 9 trong số 30 nữ cảm tử quân của Buryatsky đã tan xác trong các vụ đánh bom liều chết. FSB đang truy nã 21 “quả phụ áo đen” còn lại.

 

Kỳ tới: Tấn bi kịch mang tên Zarema