Mỹ đặt “đá tảng” tại Thái Bình Dương

Mỹ và Úc đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự song phương tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng Úc và Mỹ (AUSMIN) thường niên tổ chức ở Sydney hôm 12-8.

Thỏa thuận cho phép quân đội 2 nước huấn luyện và hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời tăng gấp đôi số lính Mỹ đang đóng ở Darwin thuộc miền Bắc Úc lên khoảng 2.500 người.

Nhấn mạnh liên minh Mỹ - Úc là “hòn đá tảng” đối với sự ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định thỏa thuận nêu trên sẽ mở rộng những đóng góp của 2 nước đối với an ninh khu vực.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang dốc sức đưa các tàu chiến Úc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa Đông Bắc Á nhằm gia tăng niềm tin đối với sức mạnh của Washington.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Úc Julie Bishop bắt tay sau lễ ký kết tại hội nghị AUSMIN hôm 12-8 Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Úc Julie Bishop bắt tay

sau lễ ký kết tại hội nghị AUSMIN hôm 12-8. Ảnh: Reuters

 

Bác bỏ nhận định của giới phân tích rằng thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ là nhằm kiềm chế Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định việc Mỹ luân phiên điều thêm lính thủy đánh bộ tới Úc là “sự phát triển tự nhiên” trong quan hệ liên minh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng hối thúc Trung Quốc trở thành một đối tác và nhấn mạnh Washington không muốn xung đột hay đối đầu với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Đài RT của Nga bình luận sau thỏa thuận an ninh mới với Philippines, thỏa thuận lần này với Úc chính là nước cờ bao vây Trung Quốc của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống đắc cử của Indonesia Joko Widodo hôm 11-8 lên tiếng sẵn sàng đóng vai trò trung gian nhằm làm giảm căng thẳng tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cáo buộc Trung Quốc “giả mù giả điếc” đối với vấn đề biển Đông, bất chấp các nước ASEAN tích cực tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt.

Tuyên bố của ông Rosario nhằm thẳng vào việc giới chức Trung Quốc nhanh nhảu bác bỏ kế hoạch 3 bước của Philippines tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thứ 47 (AMM 47) hồi cuối tuần qua. “Không nghiên cứu mà phản đối cho thấy Trung Quốc không thừa nhận căng thẳng biển Đông đang gây phiền toái cho tất cả các nước” - ông Rosario nhấn mạnh.

Theo tạp chí Kanwa Defense Review, Trung Quốc có kế hoạch tự đóng 10 tàu sân bay cho hải quân, qua đó bộc lộ tham vọng vượt qua Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Trong khi đó, một nhóm công ty Nhật Bản được cho là đang chuẩn bị bay thử nghiệm loại máy bay chiến đấu tàng hình sản xuất trong nước đầu tiên vào năm tới.