Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu

Quốc hội Mỹ hôm 18-12 bỏ phiếu bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu áp đặt cách đây 40 năm. Động thái trên mở đường cho sự thay đổi chính sách năng lượng do Đảng Cộng hòa đề xuất, trong đó cung cấp các gói ưu đãi thuế dành cho nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời.

Biện pháp này nằm trong dự luật ngân sách 1,15 ngàn tỉ USD được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành sau đó nhằm tránh tình trạng chính phủ đóng cửa vào tuần tới.

Lệnh cấm xuất khẩu dầu được áp đặt do lo ngại về sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu của Washington. Bước đi này diễn ra sau khi các thành viên Ả Rập của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ban hành lệnh cấm vận dầu nhằm vào Mỹ để trả đũa nước này hỗ trợ Israel trong cuộc chiến Ả Rập - Israel năm 1973, khiến giá xăng trong nước Mỹ tăng vọt.

 

Một giàn khoan dầu ở bang Bắc Dakota Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Một giàn khoan dầu ở bang Bắc Dakota Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

 

Những người ủng hộ cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ giúp các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á có nguồn cung thay thế ngoài OPEC và Nga, đồng thời tăng sự linh hoạt cho các nhà sản xuất dầu thô tại Mỹ. Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Dầu mỏ ConocoPhillips, quyết định trên rất cần thiết trong bối cảnh bùng nổ sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ từ năm 2008, đặc biệt là ở 2 bang Bắc Dakota và Texas, góp phần đẩy giá dầu trong nước từ hơn 100 USD/thùng xuống dưới 40 USD/thùng.

Tuy nhiên, phe phản đối lập luận môi trường sẽ bị đe dọa và nguy cơ tai nạn tàu chở dầu tăng lên. Hơn nữa, do nguồn cung trên thế giới đang dồi dào nên việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ không làm tăng đáng kể lượng dầu xuất khẩu của Mỹ trong nhiều tháng, thậm chí vài năm tới.