Mỹ gây sốt với máy bay do thám siêu việt

Công ty Northrop Grumman của Mỹ vừa hoàn tất chuyến quảng bá máy bay không người lái (UAV) Global Hawk tại khu vực châu Á. Được xem là mẫu máy bay do thám hiện đại nhất của Mỹ từ trước tới nay, Global Hawk đã tạo nên một cơn sốt trong các nước đồng minh với Mỹ.

img
Một mẫu Global Hawk đang trong quá trình thử nghiệm tại Mỹ

Nhiều tính năng vượt trội

Mỗi chiếc RQ-4 Global Hawk đều có vẻ ngoài cục mịch như một chiếc xe buýt hai tầng lộn ngược được gắn cánh. Tuy nhiên, nó là một sản phẩm công nghệ cao của hãng Northrop Grumman.

Được giới thiệu lần đầu cách đây 11 năm, Global Hawk có nhiều đặc điểm giống chiếc máy bay do thám U-2 nổi tiếng hồi những năm 1950. Nó có khả năng “nhìn” xuyên mây mù, bão cát và cung cấp hình ảnh do thám tổng hợp với độ phân giải cao (SAR). Loại máy bay này được trang bị hệ thống ghi nhận hình ảnh quang điện/hồng ngoại (EO/IR). Khi hoạt động, Global Hawk có thể phát hiện các mục tiêu đang di chuyển trong bán kính 100km. Nó có thể trinh sát 100.000 km2 địa hình/ngày và bay liên tục không nghỉ trong hàng chục tiếng đồng hồ, điều mà ít chiếc máy bay có người lái nào làm nổi. 

“Trái tim” của RQ-4 Global Hawk là một động cơ Allison Rolls-Royce AE3007H turbofan với lực đẩy 31,4kN. Thân máy bay được làm từ khung nhôm thông thường trong khi phần cánh, các đường cong, phần đuôi đều bằng sợi carbon tổng hợp. Global Hawk được lắp hệ thống tự bảo vệ AN/ALR-89 do Raytheon nghiên cứu và phát triển, gồm các hệ thống cảnh báo laser AN/AVR-3, cảnh báo và gây nhiễu radar đối phương. Một hệ thống mồi thử nhiệt ALE- 50 cũng được trang bị để tăng khả năng tự vệ của Global Hawk.

Gót chân Achilles

Các mẫu Global Hawk đã được ứng dụng cho hoạt động trinh sát ở Afghanistan và Iraq. Mặc dù khả năng thu thập dữ liệu của mẫu UAV này được đánh giá rất cao, nhưng chúng bị kêu ca vì gặp nhiều tai nạn. Có 2 chiếc máy bay, tức hơn 1/ 4 số Global Hawk được sử dụng trên chiến trường, đã bị rơi. Nguyên nhân đều do hư hỏng kỹ thuật hoặc bảo dưỡng tồi.

Được biết tỷ lệ hư hỏng/giờ bay của Global Hawk cao hơn 100 lần so với những chiếc F- 16 được sử dụng trên cùng một chiến trường. Tuy nhiên hãng sản xuất đã bào chữa rằng, tỷ lệ hỏng này là do máy bay mới đang ở giai đoạn thử nghiệm, còn thiếu phụ kiện và nhân viên bảo trì chuyên nghiệp.

Bảy chiếc Global Hawk đầu tiên đã được Northrop Grumman xây dựng trong khuôn khổ Chương trình giới thiệu công nghệ thử nghiệm tiên tiến (ACTD) do Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) tài trợ. Việc sản xuất chúng nhằm đánh giá mẫu thiết kế và khả năng của loại máy bay do thám mới.

Do nhu cầu lớn về hoạt động trinh sát, những mẫu thử này đã được không quân Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Afghanistan. Ở một động thái còn bất thường hơn, Global Hawk đã được đưa vào giai đoạn sản xuất hàng loạt trong khi vẫn đang được nghiên cứu thêm về động cơ và kỹ thuật sản xuất. 

img
Trưng bày mẫu Global Hawk tại Nhật

Cơn sốt Global Hawk

Dù chưa hoàn thiện, Global Hawk đã nhanh chóng chứng tỏ nó là một mẫu máy bay ưu việt với việc lập hàng loạt kỷ lục. Cụ thể, ngày 21-3-2001, mẫu 982003, chiếc Global Hawk thứ 3 được sản xuất, đã lập kỷ lục bay lâu nhất thế giới dành cho một UAV. Nó đã hoạt động liên tục trên không tổng cộng 30 giờ, 24 phút và 1 giây. Nó cũng lập kỷ lục UAV bay cao nhất, lên tới 19.928m nhưng kỷ lục này sau đó đã bị mẫu Helios của NASA đánh bại.

Ngày 24-4-2001, một chiếc Global Hawk đã bay liên tục từ căn cứ không quân Edwards ở Mỹ tới Australia, khiến nó trở thành UAV đầu tiên bay vượt Thái Bình Dương. Ngoài phiên bản do thám, Northrop Grumman hiện đang thu nhỏ mẫu Global Hawk ít nhất 50% để tạo nên mẫu 396, trong khuôn khổ chương trình Hunter- Killer chuyên chế tạo những UAV vũ trang của không quân Mỹ.

Với các đặc điểm ưu việt như vậy, không khó để thấy Global Hawk là một trong những thiết bị công nghệ quân sự được thèm muốn nhất thế giới. Khả năng trinh sát tốt và chi phí sản xuất khá thấp, khoảng 30 triệu USD cho một chiếc Global Hawk, so với 85 triệu USD của chiếc máy bay chiến đấu liên hợp JSF F35, đã khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho các đồng minh Mỹ.

Northrop Grumman cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Anh, Tây Ban Nha, New Zealand và Canada đều muốn có chiếc máy bay này. Riêng nước Đức đã lập hợp đồng với Northrop Grumman để sản xuất một biến thể mang tên EuroHawk.

Tuy nhiên khả năng các đồng minh của Mỹ có Global Hawk trong tương lai gần là điều không tưởng. “Không quân Mỹ còn chưa có đủ những chiếc Global Hawk nữa là đem bán” - Gemma Loochkartt, chuyên gia quan hệ công chúng ở Northrop Grumman, nói. Phi đội Global Hawk của công ty hiện lên tới 21 chiếc, đã hoàn tất hoặc đang trong quá trình xây dựng và con số này được dự báo còn tăng lên mạnh trong thời gian tới.