Mỹ trở thành quan sát viên tại hội nghị về nhân quyền ở Geneva
Khóa họp hằng năm lần thứ 58 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) đã khai mạc hôm qua 18-3 và sẽ kéo dài sáu tuần tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của 53 quốc gia thành viên và hơn 200 tổ chức phi chính phủ (NGO). Cao ủy trưởng UNHRC - bà Mary Robinson - trong phiên khai mạc đã đọc báo cáo về các chuyến đi thực tế tại nhiều nước trong năm qua. Hôm nay, các đại biểu sẽ đọc tham luận.
Việt Nam là thành viên chính thức của hội nghị trong số 12 nước châu Á. Đây là lần đầu tiên kể từ khóa họp thứ nhất vào năm 1947, Mỹ không còn là thành viên chính thức của hội nghị, vì không được Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ (ECOSOC) bầu chọn hồi tháng 5 năm ngoái. Nhưng Mỹ được hưởng quy chế quan sát viên và có thể được ECOSOC xem xét bầu chọn lại vào tháng 5-2002. Cho nên, tuy không có quyền bỏ phiếu cho nghị quyết của hội nghị nhưng Mỹ được phép tham gia tích cực vào quá trình thảo luận. Liên minh châu Âu (EU) giữ vai trò then chốt tại hội nghị này và sẽ trình bày nhiều văn kiện liên quan đến các nước như Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan, Myanmar, Iran, Iraq, Colombia và Zimbabwe. EU tố cáo Israel chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine và dự thảo nghị quyết lên án Israel sẽ được Ả Rập Saudi trình bày tại hội nghị. Ngoài ra, hội nghị sẽ thảo luận thêm các vấn đề như: nạn bạo hành đối với phụ nữ, quyền trẻ em, nạn phân biệt chủng tộc, sự tra tấn, quyền được giáo dục, được cung cấp lương thực và nhà ở...