Myanmar: Đụng độ nảy lửa, hàng chục người thiệt mạng

(NLĐO) - Ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và dân quân ở Myanmar.

Các cuộc đụng độ xảy ra từ ngày 9-9 ở ngôi làng Myin Thar thuộc vùng Magway, miền Trung Myanmar. Quân đội bị cáo buộc sử dụng pháo hạng nặng.

"Họ bắn pháo, đốt nhà của chúng tôi. Tôi đã mất tất cả những gì mình có. Tôi sẽ không tha thứ cho họ" - một cư dân 42 tuổi ở ngôi làng Myin Thar nói với hãng tin Reuters qua điện thoại.

Người đàn ông cho biết thêm 3 đứa trẻ cùng với cậu con trai 17 tuổi của mình - thành viên lực lượng dân quân - nằm trong số 20 người thiệt mạng.

Myanmar: Đụng độ nảy lửa, hàng chục người thiệt mạng - Ảnh 1.

Đụng độ xảy ra ở vùng Magway từ ngày 9-9. Ảnh: Reuters

Một cư dân địa phương nói với AP rằng khoảng 100 binh sĩ Myanmar đi trên 4 chiếc xe quân sự tới "đảm bảo an ninh cho ngôi làng Myin Thar và 5 ngôi làng lân cận". Lực lượng dân quân sau đó bắn cảnh cáo nhưng không ngăn được bước tiến của quân đội, cuối cùng dẫn tới đụng độ.

Phát ngôn viên quân đội Zaw Min Tun xác nhận các cuộc đụng độ xảy ra ở vùng Mageway. Ngoài ra, theo trang tin Irrawaddy, 3 binh sĩ đã thiệt mạng tại TP Yangon ngày 9-9.

Đài Al Jazeera cho biết các cuộc đụng độ mới nhất diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạt động và phe đối lập Myanmar kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động. 

"Những người trẻ tuổi Myanmar không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu với những gì họ có" - phe đối lập tuyên bố ngày 11-9.

Các nghị sĩ của chính phủ dân sự trước đó thành lập tổ chức Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG). Dự kiến cuối tuần này, phe đối lập sẽ tiến hành chiến dịch để thúc đẩy sự công nhận NUG là đại diện chính phủ hợp pháp của Myanmar.

NUG ra đời nhằm phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1-2 năm nay. Tổ chức này đã kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại sự lãnh đạo của quân đội.

Myanmar lâm vào tình trạng bất ổn kể từ khi chính phủ của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ, gây ra các cuộc biểu tình, đình công và tấn công lực lượng an ninh trên cả nước. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) đang theo dõi tình hình nhân quyền ở Myanmar, ít nhất 1.058 người đã thiệt mạng cho đến nay, trong khi hơn 6.300 người khác vẫn bị giam giữ.