NASA buộc phải tìm đối tác

Nếu Nhà Trắng muốn đưa người trở lại mặt trăng hoặc thực hiện các chuyến thám hiểm vũ trụ xa hơn, có thể NASA buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của Moscow, Paris,Tokyo và Bắc Kinh. Lý do không có gì là bí mật: NASA thiếu tiền

Báo cáo của ủy ban Augustine đã nói rõ tình hình tài chính đáng buồn nói trên tại quốc hội, Nhà Trắng và trên các phương tiện truyền thông đại chúng hồi tháng rồi. Mô hình hợp tác quốc tế từng được thể hiện có hiệu quả với dự án Trạm không gian quốc tế (ISS) có lẽ là xu hướng khó đảo ngược trong tình hình khủng hoảng kinh tế tác động toàn cầu, chứ không riêng gì nước Mỹ.

img

Trạm không gian quốc tế (ISS), một mô hình hợp tác quốc tế khá thành công. Ảnh: NASA


Một giải pháp nhạy cảm


Tất cả 10 thành viên của Ủy ban Augustine đã nhất trí khuyến cáo rằng trong tình hình thiếu tiền (khoảng 3 tỉ USD/năm) như hiện nay, NASA nên thay đổi sách lược. Thay vì hành động đơn độc, NASA nên  hướng tới một dự án khoa học mang tính toàn cầu với một ngân quỹ tài chính đa dạng (USD, euro, rúp, yen và kể cả nhân dân tệ).


Ý kiến nói trên của Ủy ban Augustine đã được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ tán thành. Joan Johnson-Freese, Trưởng Khoa Nghiên cứu an ninh quốc gia của Trường Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ, đồng thời cũng là một chuyên gia về chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc (TQ), nhận xét: “Mỹ cần chủ động làm đầu tàu của một nỗ lực hợp tác quốc tế chứ không nên cố gắng thực hiện một mình”.


Tuy nhiên, một mình NASA  không thể tự quyết định. Tất cả tùy thuộc vào Tổng thống Barack Obama. Ông này đang xem xét kết luận của Ủy ban Augustine do ông lập ra, theo đó, chỉ có một sự chọn lựa: Cắt giảm chương trình thám hiểm vũ trụ có người hoặc bỏ ra nhiều tiền hơn.


Do Nhà Trắng hiện đang lúng túng với mức thâm hụt ngân sách nhà nước khổng lồ và có nhiều khoản chi ưu tiên,
Ủy ban Augustine mạnh dạn đưa ra giải pháp thay thế. Báo cáo của ủy ban viết: “Nếu Mỹ muốn cầm đầu một chương trình thám hiểm vũ trụ  toàn cầu, chia sẻ gánh nặng và lợi ích của việc thám hiểm vũ trụ sẽ  đem lại những lợi ích quan trọng”. Vấn đề là hợp tác như thế nào thì ủy ban lại không đưa ra được một kế hoạch cụ thể.


Nhưng những người ủng hộ ý kiến trên đã chỉ ra được một ví dụ điển hình. Đó là dự án ISS trị giá 100 tỉ USD (dĩ nhiên Mỹ đóng góp nhiều nhất với tư cách là chủ đầu tư) có sự tham gia của 15 quốc gia bao gồm Nga, Canada, Nhật  và các nước Tây Âu. Hầu hết các nước này đều có chương trình thám hiểm vũ trụ riêng.


Dự án ISS  cho phép Mỹ dùng tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa người và hàng hóa lên trạm ISS sau khi chương trình tàu con thoi của NASA  chấm dứt  năm 2010 hoặc 2011. Ngoài Soyuz, còn có tên lửa Ariane của Pháp. Nhật cũng có tàu chở hàng lên trạm ISS.


Do thiếu tiền, NASA buộc phải chấp nhận việc tìm kiếm thêm đối tác để hợp tác. Vấn đề là hợp tác ở khâu nào. Xưa nay  NASA luôn luôn chống lại chuyện giao cho  nước ngoài vai trò trọng yếu trong việc phát triển tên lửa đẩy, bộ phận sinh tử của một con tàu vũ trụ. Đặc biệt cựu giám đốc NASA Mike Griffin là người chống đối quyết liệt nhất.


Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng chia sẻ quan điểm của NASA. Họ không muốn chuyển công ăn việc làm ở các nhà máy chế tạo tên lửa và tàu vũ trụ của NASA đặt tại  các bang Texas, AlabamaFlorida ra nước ngoài. Ngay cả những người ủng hộ giải pháp hợp tác quốc tế cũng thừa nhận rất khó thay đổi “cái đầu” của NASA. Ed Weiler, một nhà khoa học hàng đầu ở NASA, nhận định: “Nói (hợp tác) thì dễ, làm mới khó”.


Xu hướng tất yếu


Ngoại trừ chuyện tên lửa, NASA từng có những bước đi tăng cường hợp tác với nước ngoài. Tháng 9 rồi, Mỹ đã ký những thỏa thuận riêng rẽ với cơ quan quản trị hàng không châu Âu và Canada về việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến các hệ thống vận tải và hợp tác trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ có người.


Cũng trong tháng 9, Mỹ và TQ đã bắt đầu mở rộng các kênh giao lưu hứa hẹn một sự hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ.  Chương trình thám hiểm vũ trụ của Mỹ, như đã nói, đang gặp khó khăn vì thiếu tiền. Dụ án chế tạo một cặp tên lửa  đưa tàu vũ trụ có người trở lại mặt trăng và đi xa hơn (chương trình Chòm Sao thay thế chương trình Tàu con thoi) đang lâm vào cảnh ì  ạch.


Cường quốc kinh tế mới nổi TQ không thiếu tiền  nhưng thiếu kinh nghiệm và công nghệ cần thiết để thực hiện nhanh chương trình thám hiểm vũ trụ của họ. Đó là tiền đề để TQ trở thành đối tác quan trọng của Mỹ.


Cách đây 5 năm, TQ đã từng đưa người lên quỹ đạo trái đất ba lần. Năm ngoái họ đã phóng vệ tinh Hằng Nga I  bay quanh quỹ đạo mặt trăng thực hiện  nhiệm vụ vẽ bản đồ  địa chất và tài nguyên trước khi đâm đầu xuống mặt trăng hồi tháng 3 vừa qua sau 16 tháng tồn tại. Năm 2012, theo kế hoạch họ sẽ phóng tàu thăm dò đổ bộ lên mặt trăng và 5 năm sau sẽ đưa một thiết bị  lấy mẫu đá và đất mặt trăng đem về trái đất. Trung Quốc cũng bày tỏ tham vọng đưa người lên mặt trăng.


Tuần báo Aviation Week cho biết TQ đã mở ngỏ khả năng tham gia chương trình ISS. Trả lời câu hỏi TQ có muốn tham gia ISS, Vương Văn Bảo, Cục trưởng Cục Công nghệ đưa người lên vũ trụ của TQ, nhấn mạnh: “Nếu có thể  mở kênh đối thoại, chúng ta sẽ ngồi lại với nhau để quyết định TQ làm gì và Mỹ làm gì”.


Cũng theo Aviation Week, ngày 22-9, hai cựu phi hành gia Mỹ đã đến thành phố vũ trụ ở Bắc Kinh giao lưu với các phi hành gia, kỹ sư và chuyên viên hàng không vũ trụ TQ. Lần đầu tiên họ được phép tham quan ba cơ sở quan trọng trong thành phố vũ trụ. Ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với họ là TQ đã đầu tư rất mạnh chương trình thám hiểm và khai phá mặt trăng.