Nga, Mỹ dính đến đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ?

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được thông tin về âm mưu đảo chính quân sự từ quân đội Nga chỉ vài giờ trước khi nó diễn ra vào tối 15-7. Một số tờ báo Ả Rập dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết thông tin trên hôm 20-7.

Theo nguồn tin trên, quân đội Nga đóng tại khu vực đã chặn được các bức điện tín được mã hóa mà nhóm phản loạn trao đổi với nhau và chuyển cho Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT). Nhờ đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan kịp rời khỏi khách sạn ở khu nghỉ mát Marmaris không lâu trước khi binh sĩ phe đảo chính ập đến với ý định bắt sống hoặc giết chết ông.

Hiện chưa rõ cơ sở nào của Nga chặn được thông tin trên nhưng các nhà ngoại giao cho biết đơn vị tình báo quân đội Nga triển khai tại căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia - Syria được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử và nghe lén hiện đại.

Người dân xuống đường ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan ở TP Istanbul hôm 20-7 Ảnh: REUTERS
Người dân xuống đường ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan ở TP Istanbul hôm 20-7 Ảnh: REUTERS

Giới chức Nga cũng như Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên tiếng về thông tin trên. Trong khi đó, các nguồn tin chính thức ở Ankara, trong đó có quân đội, đã xác nhận các tướng lĩnh hàng đầu được MIT báo tin trước về cuộc đảo chính. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn kênh Al Jazeera hôm 20-7, Tổng thống Erdogan lại nói ông biết về âm mưu đảo chính từ em rể mình, chứ không phải cơ quan tình báo. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhận định một số nước ngoài có thể đã nhúng tay vào vụ đảo chính.

Ông Lawrence Wilkerson, từng là chánh văn phòng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powel, tin rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan biết được thông tin và nắm giữ một vai trò nhất định trong vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng nói về sự dính líu của Washington. Tương tự, Trung tướng Yury Netkachev, chuyên gia quân sự Nga, nhận định với báo Nezavisimaya Gazeta rằng không loại trừ tình huống người Mỹ muốn vận động quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cấm cửa hoàn toàn tàu quân sự Nga ra vào Địa Trung Hải sau khi họ giành được chính quyền. Một kịch bản như thế sẽ làm suy yếu đáng kể hoạt động quân sự của Nga ở Syria.

Lúc này, Tổng thống Erdogan tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch thanh trừng, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng hôm 20-7. Trong nỗ lực xoa dịu chỉ trích từ một số nước châu Âu, nhà lãnh đạo này khẳng định nền dân chủ không bị đe dọa nhưng Ankara sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ hòa bình và ổn định đất nước.