Nga - NATO sắp nhóm họp sau 2 năm căng thẳng

(NLĐO) - Một diễn đàn với sự tham dự của Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ được tổ chức trong vài tuần tới.

Đây lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine từ giữa năm 2014.

Hội đồng NATO - Nga, ra đời vào năm 2002, chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán cấp đại sứ ở thủ đô Brussels – Bỉ trong vòng 2 tuần tới. Diễn đàn này bị rơi vào quên lãng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014.

Trong khi phương Tây và Nga vẫn bất đồng về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, cuộc họp là một dấu hiệu cho thấy hai bên đã sẵn sàng cải thiện quan hệ ngoại giao để tránh xảy ra bất kỳ tình huống xung đột quân sự tình cờ nào trong khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexey Meshkov hôm 8-4 cho biết cuộc gặp giữa Nga và NATO sẽ diễn ra trong vòng vài tuần tới nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Trong khi đó, NATO xác nhận cuộc gặp sẽ được tổ chức tại trụ sở chính của khối trong vòng 2 tuần nữa nhưng không nói rõ ngày giờ cụ thể.


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở của khối ở Brussels - Bỉ. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở của khối ở Brussels - Bỉ. Ảnh: Reuters

Nội dung cuộc họp, theo NATO, sẽ đề cập cuộc xung đột giữa quân chính phủ và phe ly khai ở miền Đông Ukraine – vốn giết chết hơn 9.000 người kể từ tháng 4-2014. Phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ quân nổi dậy nhưng Moscow bác bỏ.

“Hội đồng NATO – Nga sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng trong và xung quanh Ukraine cũng như sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ các thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Chúng tôi sẽ thảo luận về các hoạt động quân sự, đặc biệt tập trung vào tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro. Các mối đe dọa tại Afghanistan và khu vực cũng nằm trong chương trình nghị sự” – NATO tuyên bố.

Sau Chiến tranh Lạnh, NATO đẩy mạnh xây dựng lực lượng ở Đông Âu. Đây là lý do khiến NATO muốn nói chuyện với Nga về việc cải thiện tính minh bạch quân sự nhằm tránh phát sinh hiểu lầm.

Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đình chỉ tất cả hợp tác thiết thực với nước này, chỉ giữ lại quan hệ chính trị cấp cao. Đại sứ NATO và Nga cũng chỉ gặp nhau 2 lần sau vụ sáp nhập bán đảo, lần thứ nhất vào tháng 3-2014 và lần thứ hai vào đầu tháng 6 cùng năm.