Ngoại giao gấu trúc!
Gấu trúc (ảnh) là loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng nên được xếp vào sách đỏ để bảo vệ. Loại gấu này chỉ có ở Trung Quốc (TQ) và quê hương của chúng là ở tỉnh Tứ Xuyên có nhiều rừng trúc làm thức ăn. 80% gấu trúc của toàn TQ, tức khoảng 1.000 con, hiện nay đang sống ở môi trường tự nhiên tại Tứ Xuyên.
Vì tỉ lệ sinh sản rất thấp, trong nhiều năm qua số lượng gấu trúc không thể tăng trong khi nhiều con gấu đã được Nhà nước TQ biếu không cho vườn thú một số nước mà báo chí gọi là “chính sách ngoại giao gấu trúc” cũng như “chính sách ngoại giao bóng bàn” năm xưa. Theo Tứ Xuyên nhật báo, để bảo vệ đàn gấu, HĐND tỉnh Tứ Xuyên đang có kế hoạch thông qua một đạo luật cấm xuất khẩu gấu trúc ra nước ngoài dưới mọi hình thức, kể cả dùng làm quà biếu các vườn thú. Luật này dự kiến sẽ được thông qua ngay trong năm nay. Luật cấm có một ngoại lệ là có thể cho mượn không quá 2 năm. “Chính sách ngoại giao gấu trúc” đã bị các nhà bảo vệ động vật hoang dã phản đối dù mang ý nghĩa thiện chí hữu nghị. Việc nhân giống gấu trúc còn gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2002 chỉ có 12 gấu con ra đời, nhưng chỉ sống được 9 con, trong đó có 1 con được sinh sản tự nhiên, số còn lại đều qua thụ tinh nhân tạo. Ông Trương An Cự, Giám đốc Ủy ban Kỹ thuật nhân giống gấu trúc của TQ, cho biết trong năm qua tỉ lệ thụ tinh nhân tạo chỉ thành công 40%. Phong trào bảo vệ động vật hoang dã tại TQ rất hoan nghênh chủ trương kịp thời của tỉnh Tứ Xuyên vì nhiều con gấu trúc TQ được xuất khẩu đã chết sau một thời gian ngắn sống tại nơi ở mới, những con còn sống rất hiếm sinh con đẻ cái.