Ngọc kỵ lửa – vô giá!

“Ngọc kỵ lửa” (đốt không cháy) là tên gọi dân gian của hổ phách. Nó có tên khoa học là succinus, hóa thạch của một loài thông cổ đến nay đã tuyệt chủng, được tạo thành dưới dạng bào thể trong các trầm tích có trước kỷ thứ 4, là một khoáng vật hữu cơ. Tại VN, người ta cũng đã tìm được hổ phách

Hổ phách được con người phát hiện khoảng từ 11.000 năm về trước. Nghiên cứu khảo cổ chỉ ra rằng con người tìm ra hổ phách đầu tiên ở lòng các sông suối. Tổ tiên chúng ta vẫn tưởng chúng là những hòn đá. Trong thời đồ đá cũ, con người đã biết dùng nó làm đồ trang sức và bùa ngải để cầu may. Đến thời đồ đá mới, hổ phách được mài thành viên, kết chuỗi làm đồ trang sức, là bảo vật của lớp người giàu.

Hổ phách: Đồ trang sức quý hiếm

Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh sự ra đời kỳ diệu của hổ phách. Dưới tác động của môi trường sống, những cây thông khỏe mạnh đã tiết ra những khối nhựa đậm đặc, lớn dần theo thời gian. Trải qua hàng ngàn năm, rừng cây bị nhấn chìm, nó được bao phủ bởi lớp đất dưới đáy biển. Biến thiên xảy ra, dưới tác động của các cơn bão lớn và dòng chảy của hải lưu đã dần lộ ra rừng cây, khối nhựa bị chôn vùi. Những đợt sóng lớn đã xới tung nó và ném lên bờ.

img
Trang sức bằng “huyết phách” được tìm thấy ở VN

Hổ phách được phân chia theo màu sắc và đặc điểm. Nó gồm có các loại: huyết phách, kim phách, hoa phách, trùng phách, thủy phách, hương phách và linh phách. Hổ phách có giá trị vô cùng to lớn đối với các nền văn minh Ai Cập, Babilon, Ba Tư và Hy Lạp cổ đại. Hổ phách vĩnh viễn là một thứ đồ trang sức quý hiếm, có giá trị từ thời kỳ đồ đá cho đến tận bây giờ. Bên cạnh đó, hổ phách là một dược liệu quý.

Giai thoại bí ẩn

Hổ phách được tìm thấy ở các nước ven biển Bantic như Ba Lan, Cộng hòa Dominica, Latvia, miền Tây của Kaliningrad thuộc nước Nga, Mexico và miền Bắc Trung Quốc. Do tác dụng tốt đối với sức khỏe và được tôn sùng là “linh vật” của thượng đế, hổ phách chỉ được lưu truyền trong giới thượng lưu quý tộc và cao tăng đắc đạo.

Cho đến ngày nay, khi bộ phim Công viên kỷ Jura khởi chiếu thì thế giới mới hình dung và chú ý nhiều hơn đến hổ phách, tạo nên một làn sóng truy tìm nó ở châu Âu. Nguyên nhân chính là bộ phim đã đề cập đến hổ phách với những đặc tính kỳ bí của nó.

Trong lịch sử cho đến nay vẫn còn lưu truyền giai thoại về “Căn phòng hổ phách” nổi tiếng, mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới được Hoàng đế nước Phổ Frederick I tặng cho vua nước Nga Piere Đại đế. Căn phòng được chạm trổ và dát toàn bằng hổ phách- được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật vô giá. Căn phòng hổ phách được đặt trong Cung điện mùa đông, nhưng trong chiến tranh thế giới thứ 2 bị phát xít Đức cướp đi. Số phận của nó ra sao, hiện giờ vẫn còn là một bí mật.

Săn lùng “Ngọc kỵ lửa”

Hổ phách được biết đến và tìm thấy ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Những người khai quật các khu mộ cổ vô tình phát hiện nó nằm lẫn trong các vật dụng chôn cùng thi hài người chết ở vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bình Thuận, Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu địa chất đá quý (Tổng hội Địa chất Việt Nam), cho biết: “Cho đến nay, vẫn chưa xác định được niên đại của “ngọc kỵ lửa” ở nước ta. Theo nguyên lý, nhựa thông cổ được vùi lấp mấy ngàn năm mới hóa thạch. Từ màu vàng nguyên thủy khi hóa thạch chuyển sang màu đỏ phải trải qua hàng ngàn năm. Trong khi đó, giới săn đồ cổ Việt Nam lùng được những sản phẩm đều có cùng một dạng, một thời gian, một kiểu gia công nhất định, thực hiện trên loại “huyết phách””.

Chính vì lịch sử đầy bí ẩn của nó, giới nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng: Hổ phách không xuất hiện ở Việt Nam mà có mặt bằng con đường cống nộp, hoặc theo chân các nhà sư truyền đạo. Nó trở thành đồ gia bảo của những gia đình quyền quý thời xa xưa.

Cũng theo ông Tuấn, khi các nước biết được thông tin Việt Nam có hổ phách đã rộ lên một làn sóng săn lùng ráo riết. Đặc biệt các thương gia đồ cổ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc... đều nhảy vào.

Cũng vì quá mới mẻ và không định được giá nên “ngọc kỵ lửa” đã gây ra bao chuyện khóc cười trong giới buôn đồ cổ. Một “trùm đồ cổ” nổi tiếng người Hoa trên đường Đồng Khởi đã bật mí: “ Ngọc kỵ lửa tương truyền là linh vật đem lại sự may mắn. Những người tín ngưỡng và mê đồ cổ thuộc hàng “đại gia” đều khao khát có được nó. Chính vì vậy mà giá thành được đội lên theo cấp số nhân. Cũng vì lẽ đó mà từng có những tin “vịt” tung ra và lừa ngọt xớt khi khổ chủ bỏ ra một gia sản để đổi lấy chuỗi “ngọc” làm giả từ nhựa hóa học 100%”.