Ngôi làng biết nói tiếng Việt ở Sri Lanka

"Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ dễ học. Điều làm chúng tôi bất ngờ là các em tiếp thu rất nhanh, hào hứng với mỗi bài giảng mới"

Một chiều tháng 3, chúng tôi đến ngôi làng nằm tại thị trấn Ambakotte, TP Kandy, Sri Lanka và bắt gặp một nhóm trẻ. Khi biết tôi là người Việt Nam, chúng nói tròn vành rõ chữ: "Chào buổi chiều, anh".

Thích thứ tiếng "hay hay"

Sau lời chào, các em giở cho chúng tôi xem những quyển vở tiếng Việt, bên cạnh các con chữ còn có những hình ảnh như bông hoa, lũy tre… cắt dán vào. Từ xa chạy đến, Hiranya đon đả hỏi: "Em nói tiếng Việt có rõ không?". Hỏi rồi cô bé 13 tuổi người Sri Lanka mở vở, nắn nót viết dòng chữ: "Tôi là Hiranya. Hôm nay, tôi rất hạnh phúc".

Sở dĩ người dân ở đây nói được tiếng Việt là nhờ các sư thầy đang tu tập tại Thiền viện Trúc Lâm. Ngôi chùa hiện có 5 vị sư người Việt tu học. Cách đây 10 năm, thầy Pháp Quang lần đầu đặt chân đến Kandy - nơi được mệnh danh là trái tim Phật giáo của Sri Lanka - và ấp ủ ước muốn xây dựng ngôi chùa Việt.

Năm 2020, Viện chủ Siri Sugatha Thapowana đã dâng tặng phần đất và ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Sri Lanka - Thiền viện Trúc Lâm - được xây dựng trong giai đoạn khó khăn, trải qua lần lượt 2 làn sóng dịch COVID-19 và một đợt khủng hoảng kinh tế xảy ra vào tháng 4-2022.

Từ khi có chùa, trẻ con quanh vùng cứ một buổi đi học, một buổi lại đến chùa chơi. Chúng quý mến các sư thầy Việt Nam, tò mò về thứ tiếng "hay hay" mà các sư thầy nói với nhau. Thầy Pháp Quang chỉ hướng dẫn một số từ tiếng Việt đơn giản như "xin chào", "cảm ơn", "ăn cơm", "buổi sáng", "buổi trưa"….

Ngôi làng biết nói tiếng Việt ở Sri Lanka - Ảnh 1.

Lớp học tiếng Việt do các sư thầy Việt Nam tại Thiền viện Trúc Lâm mở miễn phí

Dần dần, có vài em tâm sự với thầy: "Thầy có thể dạy con tiếng Việt không? Con muốn học tiếng Việt, muốn nói chuyện nhiều hơn với thầy, muốn biết về Việt Nam". Thầy suy nghĩ hồi lâu rồi khẽ gật đầu, lớp học tiếng Việt ra đời từ đó.

Mỗi buổi chiều, khoảng 20 trẻ em Sri Lanka lại mang tập vở đến chùa. Các em bắt đầu từ những chữ cái đơn giản "a, ă, â, o, ô, ơ". Khoảng 3 tháng sau, những học trò nhí đã có thể ghép được câu hoàn chỉnh, tự giới thiệu bản thân mình.

 "Chúng tôi lồng ghép văn hóa Việt Nam vào từng bài học. Các em đã biết được tà áo dài truyền thống, về phong bao lì xì vào mỗi dịp Tết, về những bài hát thiếu nhi. Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ dễ học. Điều làm chúng tôi bất ngờ là các em tiếp thu rất nhanh, hào hứng với mỗi bài giảng mới mà các sư thầy truyền tải" - thầy Pháp Quang chia sẻ.

Những ngày Sri Lanka chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, điện bị ngắt liên miên, các em vẫn đến lớp không sót buổi nào, chong đèn để học. Mùa mưa, các em rủ nhau che dù, cùng nắm tay nhau đi bộ đến lớp. Chúng reo vui khi được thưởng thức món bánh tét, bánh ít… mà các sư thầy mang từ Việt Nam sang.

Bà Arakita, 58 tuổi, sống cách chùa 800 m. Những ngày cháu đi học về, bà vẫn nghe cháu thì thầm hát "Kìa con bướm vàng...", "Bông hồng cài áo". Tò mò, bà hỏi: "Con thấy tiếng Việt thế nào?". Đứa cháu 12 tuổi bộc bạch: "Hay lắm bà ơi!".

Những ngày sau, bà theo cháu đến lớp, trở thành một trong những người học tiếng Việt lớn tuổi nhất. Tính đến nay, lớp học đã có 6-7 phụ nữ Sri Lanka, tuổi từ 40-60, theo học. Họ cùng nhau đến chùa làm công quả, viết chữ và chào hỏi nhau bằng tiếng Việt.

Mong muốn đến Việt Nam

Thầy Pháp Quang vẫn luôn nhớ tên gọi, gương mặt và câu chuyện của từng học trò mình. Cô bé Hiranya rất ngoan, hát hay, học giỏi tiếng Việt. Bố mất sớm, mẹ em bị đột quỵ và qua đời, để lại Hiranya cùng chị gái. Em được Thiền viện Trúc Lâm trao 20.000 rupee (tương đương 1,3 triệu đồng) mỗi tháng để tiếp tục đến trường.

Ngôi làng biết nói tiếng Việt ở Sri Lanka - Ảnh 2.

Hai anh em nhà Osteen vẫn luôn dặn nhau đến chùa đúng giờ để ngồi thiền, làm bài tập tiếng Việt. Khủng hoảng kinh tế khiến gia đình hai em phải vật lộn trong khó khăn đời thường. Các em phải đi bộ đến trường vì xăng tăng giá, bữa cơm trưa cũng bị cắt. Đêm xuống, mọi người uống nước cầm hơi, ngủ trên chiếc giường bé xíu.

Suni, một em bé mắc bệnh tim, sống trong gia đình có 4 chị em gái. Ba của Suni làm tài xế xe tuktuk. Giá xăng tăng phi mã, người dân không ai đủ tiền để đi tuktuk nên ông đành thất nghiệp. Căn nhà tốc mái cũng chẳng thể sửa khi giá xi-măng đang ở mức cao gấp ba so với bình thường. Biết chuyện, thầy Pháp Quang qua nhà, hỗ trợ một ít vật liệu xây dựng. Mỗi tháng, Suni lại đến chùa nhận 10 kg gạo và 5.000 rupee.

Giữa khủng hoảng kinh tế, chùa chuyển sang nấu bếp củi, hái rau trong vườn. Những đứa trẻ đến học tiếng Việt thỉnh thoảng lại được một phần cơm cà ri nóng hổi.

 Đêm giao thừa, chúng được mời đến chùa, thưởng thức bánh mứt ngọt ngào, cùng trang trí câu đối, được nhận phong bao lì xì đỏ thắm để biết thêm về văn hóa Việt Nam. Cứ như thế, thầy và trò dìu nhau qua cơn khó khăn, bằng tình thương và lòng tương trợ.

Năm 2022, thầy Pháp Quang trở về Việt Nam thăm quê hương. Trước khi đi, các em nhỏ rấm rứt khóc: "Thầy đi rồi khi nào lại về? Con sẽ nhớ thầy lắm". Và khi chiếc ôtô đưa thầy về đến cổng chùa, các em reo lên thích thú.

 Qua những câu chuyện được kể, chúng đã mường tượng về một Việt Nam tươi đẹp. Nơi đó, có đồng lúa xanh rì rào, có lũy tre làng, có gốc đa to mấy vòng tay ôm không hết, có dòng sông được bồi đắp phù sa, có những nụ cười thân thiện, có những tấm lòng chan chứa yêu thương.

Ngôi làng biết nói tiếng Việt ở Sri Lanka - Ảnh 3.

Em Osteen, 12 tuổi, khoe tập vở học tiếng Việt

"Khi con hát bài "Bông hồng cài áo", con nhớ về mẹ. Thầy đã giải thích từng lời trong bài hát, con trân trọng từng khoảnh khắc con còn mẹ trên cuộc đời" - cậu bé 15 tuổi Isacc tâm sự. Những thành viên trong lớp học xem nhau là "gia đình Trúc Lâm". Ai trong lớp cũng có ước mơ một lần được đến Việt Nam.

Santush, cậu bé được đánh giá là nói tiếng Việt tốt nhất lớp, cũng không nhớ được tình yêu Việt Nam của cậu bắt đầu từ bao giờ. Chỉ biết rằng Việt Nam trong cậu là dải đất hình chữ S, có những con người sẵn sàng dang tay giúp đỡ người khó khăn, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. "Con yêu Việt Nam thật nhiều" - cậu nói. 

Bà Hồ Thị Thanh Trúc, Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, cho biết bản thân bà cũng khá bất ngờ về việc người dân ở xung quanh Thiền viện Trúc Lâm có thể nói được tiếng Việt. Theo bà, việc xây dựng lớp học miễn phí cho người dân bản địa góp phần quảng bá văn hóa Việt. Thời điểm dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế, các vị sư Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân địa phương và cộng đồng người Việt gặp khó khăn ở Sri Lanka.