“Người ăngten” ở Hàn Quốc

Nhờ tấm lòng của một nông dân Hàn Quốc, các cô dâu ngoại, bao gồm cả người Việt, có dịp xem những chương trình truyền hình được phát từ quê nhà

Lee Si-kap, một nông dân độc thân rụt rè 39 tuổi ở thị trấn Yeongju, đang sở hữu một kỷ lục: ông có nhiều chảo thu vệ tinh hơn bất kỳ người Hàn Quốc nào khác. 85 chảo vệ tinh đặt xung quanh nhà ông có thể thu được 1.500 kênh truyền hình vệ tinh của hơn 100 nước, bao gồm cả những nước xa xôi như Nam Phi hoặc Canada.


Xoa dịu nỗi nhớ nhà


Từng bị xem là người lập dị ở địa phương, ông Lee gần đây nổi lên như là một người hùng và được gọi là “người ăngten” trên đài truyền hình quốc gia. Từ cuối năm ngoái, ông và hàng ngàn người thích vệ tinh khác, bao gồm chồng của những cô dâu người nước ngoài, đã bắt đầu chiến dịch lắp đặt chảo thu vệ tinh miễn phí cho cô dâu ngoại sống tại nông thôn để họ có thể xem các chương trình truyền hình của quê hương.

Bùi Thị Hương, một cô dâu 22 tuổi đến từ Việt Nam và hiện đang sống ở Yeongju, cho báo The New York Times (Mỹ) biết: “Nhờ ông Lee, tôi đã đỡ nhớ quê hương và cha mẹ so với lúc trước”.

img

Ông Lee Si-kap...

Trong những năm gần đây, miền thôn quê Hàn Quốc xuất hiện nhiều cô dâu đến từ những nước như Việt Nam, Trung Quốc và Philippines. Năm ngoái, 4 trong số 10 phụ nữ kết hôn tại những cộng đồng nông thôn Hàn Quốc là người nước ngoài. Riêng ở Yeongju, cách thủ đô Seoul khoảng 161 km về phía Đông Nam, số lượng cô dâu ngoại tăng 28% lên 250 người trong 18 tháng qua, trong đó phân nửa đến từ Việt Nam.


Cô dâu ngoại đã trở thành nền tảng của kinh tế các thị trấn như Yeongju. Họ làm việc cùng chồng ngoài cánh đồng và mang trở lại thứ âm thanh vốn đã trở thành hồi ức xa xưa trong cộng đồng dân cư địa phương: tiếng khóc trẻ con.

img
...và ngôi nhà chất đầy chảo vệ tinh của mình. Ảnh: THE NEW YORK TIMES


Dù vậy, theo ông Lee, những phụ nữ này đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới. Ông nói: “Chính quyền địa phương và những người chồng thường chỉ tập trung vào việc biến họ thành “người Hàn Quốc”, dạy họ tiếng Hàn và kỹ năng dùng máy tính. Họ không hiểu là những phụ nữ này cảm thấy cô đơn như thế nào”.


Thích nghi tốt hơn


Khi không đụng đến thiết bị vệ tinh, ông Lee thường chăm sóc cánh đồng tiêu và vừng của mình, hoặc đến những ngôi làng lân cận để xem liệu các cô dâu ngoại có gặp vấn đề gì với tín hiệu truyền hình hay không. Ông Lee và bạn bè vẫn còn vấp phải sự phản đối của một số ông chồng quyết tâm ngăn bất kỳ thứ gì nhắc về quê hương của cô dâu ngoại, vì lo sợ điều đó chỉ càng khiến họ thêm nhớ nhà.

Tuy nhiên, họ cũng được khích lệ khi nhiều gia đình cho biết việc xem chương trình truyền hình ở quê hương thực ra đã giúp cô dâu ngoại vượt qua nỗi cô đơn và thích nghi tốt hơn với cuộc sống ở địa phương.


Ông Lee, người đang sống với mẹ và ông, cho biết sự thông cảm mà ông dành cho cô dâu ngoại phần nào xuất phát từ chính cảm giác bị chia cắt khỏi xã hội của chính mình. Khi còn nhỏ, Lee cảm thấy bị tổn thương nặng nề khi người cha từ bỏ mẹ và ông. Kể từ đó, cậu bé Lee trở nên thiếu tự tin, gặp khó khăn trong việc kết bạn trong xóm hoặc trường học. Ông Lee bộc bạch rằng cuộc đời ông đã được cứu vớt bởi âm nhạc và truyền hình vệ tinh.