Người ghi hình nỗi đau nạn nhân chất độc màu da cam
Những bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Anh Philip Jones Griffiths cho thấy thực tế Việt Nam vẫn tiếp tục phải gánh chịu hậu quả của những tội ác Mỹ đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam
Lần đầu tiên nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths được nghe về những mối đe dọa của chất độc màu da cam ở Sài Gòn (TPHCM hiện nay) vào năm 1967. Ông nhớ lại: “Trong chiến tranh tôi nghe nhiều lời đồn có những đứa trẻ sinh ra không có mắt và tôi thấy cần phải tìm ra chúng. Tôi cố đến thăm nhiều cô nhi viện đạo Cơ đốc nhưng thường bị cấm vào. Tôi tin chắc rằng quân Mỹ đã lệnh không cho báo chí can thiệp” .
Nhà nhiếp ảnh Anh nay đã 67 tuổi, là phóng viên tự do trong chiến tranh VN. Tuy là thành viên của hội nhiếp ảnh Magnum đầy uy tín, ông không thành công về tiền bạc. Năm 1971, ông cho ra mắt cuốn sách Vietnam Inc nói về thất bại của bộ máy chiến tranh Mỹ, được độc giả gần xa biết đến.
Năm 1980, Griffiths trở lại VN. Lần đầu tiên ông được tận mắt chứng kiến các nạn nhân của chất độc màu da cam do lực lượng Mỹ rải xuống VN. Kể từ đó ông đã chụp rất nhiều hình trong số 1 triệu nạn nhân. Những bức hình này được đăng trong cuốn Agent Orange (Chất độc màu da cam) vừa được xuất bản, thể hiện một cách xem xét nghiêm khắc và không thỏa hiệp đối với “di sản” của chất độc được rải xuống Việt Nam.
Griffiths thường gặp những nạn nhân chất độc màu da cam một cách ngẫu nhiên. Ông kể: “Trong một chuyến đi từ Hà Nội vào TPHCM chúng tôi bắt đầu nói chuyện về chất độc màu da cam. Anh lái xe nói anh biết một gia đình có hai cô con gái bị mù và ngày mai chúng tôi có thể gặp họ. Cha của hai em từng là lái xe trên đường Hồ Chí Minh, chở hàng tiếp tế cho Việt cộng. Anh rất tự hào về vai trò của mình trong chiến tranh. Nhưng thật đau lòng khi thấy thảm họa mà gia đình anh phải chịu. Tôi chưa từng nhìn thấy những đứa trẻ nào như vậy cả”.
Chất độc màu da cam là một trong hàng loạt các chất diệt cỏ được rải trên các vùng rừng rậm và đầm lầy ở VN để tiêu diệt “kẻ thù”. Trong những năm 60, chất độc này được rải với cường độ lớn và độc tố chết ngườâi dioxin, được coi là có sức hủy hoại tàn bạo, làm biến thể các hoóc-môn và gien trong cơ thể con người gây ra các bệnh ung thư gan, lá lách và ung thư máu. Bác sĩ Arnold Schechter, giáo sư Trường Đại học Texas đang có công trình nghiên cứu về hậu quả sức khỏe của chất độc màu da cam ở VN, thừa nhận: “Đa số các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực này đều cho biết có sự liên kết giữa chất độc màu da cam và các bệnh trên”. Tuy nhiên, trong quá trình kiện tụng, người Mỹ vẫn phản đối việc gắn kết chất độc màu da cam với một số bệnh trên.
Griffiths bắt đầu chụp những bức ảnh thời sự nói lên nỗi khiếp đảm ghê gớm trước các hậu quả của chất độc màu da cam tại Bệnh viện Từ Dũ ở TPHCM. Ông kể: “Tôi đã vào một căn phòng tối om chứa đầy những phôi thai biến dạng”. Ông chụp hình hai đứa trẻ sinh đôi, không có hộp sọ, xương sống vẹo vọ với tình cảm dịu dàng, âu yếm.
Các bức ảnh của Griffiths thể hiện rõ mức độ thảm kịch chiến tranh VN. Năm 1998, ông thăm xã Cẩm Nghĩa, một làng quê có đến 10% trẻ em bị dị tật khi sinh. “Cẩm Nghĩa có số người dị dạng lớn nhất ở VN chưa kể các bào thai không được phát triển thành người”.
Dioxin không chỉ là vấn đề nan giải của VN. Một nghiên cứu của Mỹ hồi tháng giêng cho thấy càng ngày càng có nhiều cựu chiến binh Mỹ, từng tham gia rải chất độc màu da cam, mắc các khối u ác tính. Từ nhiều năm nay, họ đang cố đòi các hãng hóa phẩm chế ra chất độc màu da cam trả thêm các khoản bồi thường ngoài số 180 triệu USD đã được giải quyết từ năm 1984.