Người lay chuyển thị trường thế giới
Ai có thể lay chuyển thị trường chứng khoán thế giới chỉ với một cái nhíu mày ? Người đó chỉ có thể là chủ tịch Hội đồng Thống đốc Các Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (tức Ngân hàng Trung ương Mỹ, gọi tắt là FED)
Chủ tịch FED hiện giờ là ông Alan Greenspan sẽ về hưu vào ngày 31-1-2006. Người thay thế ông đã được Tổng thống Bush thông báo hôm 24-10 và chỉ còn chờ thủ tục thông qua thượng viện. Alan Greenspan được coi là một “huyền thoại” trong ngành tài chính Mỹ và thế giới.
Trong 18 năm điều hành FED, ông đã thành công trong việc giữ mức lạm phát thấp nhất, châm ngòi cho một sự bùng nổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, đồng thời cứu thế giới thoát khỏi một sự sụp đổ về tài chính. Nhưng ông cũng để lại cho người kế nhiệm – ông Ben Bernanke - một món nợ nước ngoài khổng lồ và mức thâm hụt ngân sách cũng khổng lồ không kém khi ra đi.
THÁNH ĐƯỜNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Ông Greenspan còn được giới tài chính quốc tế nể phục vì ông đã phát huy tối đa vai trò của FED không chỉ ở Mỹ. Tiếng nói của ông có trọng lượng rất lớn trên thế giới. Chỉ cần ông sử dụng một tính từ lạ trong những câu phát biểu dài và cầu kỳ một cách cố ý là đủ làm cho giá chứng khoán trên thị trường thế giới tăng - giảm đột ngột trong vài phút.
Chẳng có gì là khó hiểu. Nền kinh tế Mỹ đứng hàng đầu thế giới. Đồng đô la Mỹ (USD) cũng là ngoại tệ hàng đầu trong dự trữ ngoại tệ của các nước. FED là cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ chứ không phải tổng thống hay Quốc hội Mỹ. Cho nên bất cứ sự thay đổi dù nhỏ nhoi nào của nền kinh tế Mỹ dưới tác động của ông chủ tịch FED cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường chứng khoán thế giới. Và không chỉ ông Greenspan, bất cứ chủ tịch FED nào cũng có thể làm điều đó.
Không phải vô cớ mà giới tài chính quốc tế gọi FED là thánh đường tài chính thế giới. Theo Dick Syron, cựu phó chủ tịch FED, nó được tổ chức y như một thánh đường Ki-tô giáo, nơi mà sự ổn định của giá cả được tôn sùng. Ông mô tả: “Giáo hoàng ở đây là chủ tịch Hội đồng Dự trữ liên bang, còn hồng y đoàn là thống đốc và chủ tịch 12 ngân hàng dự trữ liên bang cấp vùng”.
Hội đồng Thống đốc Các Ngân hàng dự trữ liên bang họp thường kỳ 6 tuần một lần trong một căn phòng lớn ở lầu 1 cao ốc Marriner Eccles, đại lộ Constitution, gần điện Capitol ở Washington. Cuộc họp có mặt đầy đủ 12 thống đốc và chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang cấp vùng. Ngoài ra còn có các “nam tước” – tên gọi những nhà kinh tế nổi tiếng - là những người dự báo kinh tế thế giới giỏi nhất. Cộng thêm các trợ lý và thư ký, dự họp có tổng cộng khoảng 50 người.
Công việc của hội nghị là quyết định tăng, giảm hay giữ nguyên trạng lãi suất ngân hàng gốc ngắn hạn. Các quyết định được biểu quyết bằng cách giơ tay mà đặc biệt chỉ có 5/12 chủ tịch được quyền bầu (5 vị này được luân phiên chọn mỗi năm). Người Mỹ có thể mất việc hoặc giàu to tùy theo quyết định của những ông thống đốc và chủ tịch ngân hàng vốn lạ lẫm đối với đại đa số dân chúng. Ngay tổng thống và Quốc hội Mỹ cũng không có quyền vô hiệu hóa quyết định của FED.
Một chi tiết lý thú khác: Mỗi thành viên của hội đồng ngồi trên một chiếc ghế có khắc tên mình trên bảng đồng. Khi mãn nhiệm kỳ, họ có thể đem chiếc ghế đó về nhà làm kỷ niệm.
UY QUYỀN CỦA CHỦ TỊCH
Chủ tịch FED điều hành toàn bộ cuộc họp của hội đồng theo cách riêng của mình. Ông Alan Greenspan, làm chủ tịch từ năm 1987, có thói quen dùng ánh mắt chỉ định người phát biểu trong cuộc họp chứ không cần lên tiếng. Luật bất thành văn quy định rằng, cho dù có ý kiến khác nhau giữa các thống đốc và chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang cấp vùng, cuối cùng tất cả đều phải “nhất trí” biểu quyết theo khuyến cáo của chủ tịch hội đồng.
Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn có những ngoại lệ. Nếu có 2 thành viên không đồng tình thì quyết định sẽ mất đi uy quyền vốn có trên các thị trường thế giới. Nếu có đến 3 thành viên chống lại ý kiến của chủ tịch, là có nổi loạn trong nội bộ. Năm 1986, suýt xảy ra một chuyện tương tự với hậu quả là chủ tịch Paul Wolcker phải ra đi vào năm 1987. Dưới trào chủ tịch Greenspan chưa hề có vụ nào tương tự.
Trước Wolcker có William Miller, Chủ tịch FED từ năm 1978 đến 1979. Ngay từ đầu, nhiều thành viên của hội đồng đã tỏ ý bất phục ông này. Thế là ông Miller ra uy. Để ngăn chặn các thành viên phát biểu quá dài, ông nảy ra 2 sáng kiến mà ông rất tâm đắc. Thứ nhất ông mang vào phòng họp một chiếc đồng hồ bấm giờ mà các bà nội trợ thường dùng khi chiên trứng gà la-cót. Thế nhưng cho dù ông canh đúng 3 phút quy định để rung chuông inh ỏi yêu cầu ngừng phát biểu, các thành viên vẫn làm ngơ. Sáng kiến thứ hai của ông – đặt trên bàn họp một tấm bảng ghi dòng chữ: “Cám ơn bạn không hút thuốc” – nhằm khuyến khích các thành viên tóm tắt suy nghĩ trước khi lao ra hành lang hút thuốc lá - cũng thất bại một cách thảm hại. Philip Coldwell, nguyên thống đốc ngân hàng dưới trào ông Miller, giải thích: “Tấm bảng vẫn để ở trên bàn nhưng chúng tôi cứ hút”. Đó là một trong những lý do chủ yếu khiến ông Miller chỉ ngồi ghế chủ tịch vỏn vẹn có 1 năm. Ông Alan Greenspan ngồi đến 18 năm, chứng tỏ ông là một trong những ông chủ tịch FED có uy nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ.
“Nếu chủ tịch FED sắp chết tôi sẽ dựng ông ấy dậy, tròng chiếc kính đen vào mắt” Ứng cử viên TT Mỹ 2000 John McCain |
HUYỀN THOẠI GREENSPAN Hồi Greenspan còn nhỏ, có rất ít dấu hiệu cho thấy sau này ông trở thành người giám sát “sức khỏe” tài chính của thế giới. Hebert Greenspan, cha ông, làm nghề môi giới chứng khoán đã phải ly dị vợ sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Wall Street năm 1929. Nói như vậy không phải ông không có năng khiếu tính toán. 5 tuổi ông đã biết tính nhẩm những bài toán cộng với 3 chữ số. Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của ông lúc còn trẻ là bóng chày và nhạc jazz. Nghỉ hè, ban ngày ông chơi cho đội bóng chày Titans và ban đêm thổi kèn clarinet hay saxophone cho ban nhạc của trường. 15 tuổi, Greenspan kết bạn và chơi kèn saxophone với một người bạn 16 tuổi đến từ quận Bronx, New York có tên Stan Gretz mà sau này là một huyền thoại của nhạc jazz. Giải thích vì sao từ bỏ sự nghiệp âm nhạc, ông Greenspan kể trên tạp chí GQ: “Tôi là dân chơi kèn nghiệp dư không tồi nhưng chỉ là một nhạc công chuyên nghiệp làng nhàng. Tôi nghĩ rằng mình không thể nào thành công trên sân khấu âm nhạc cho nên đã chuyển hướng”. Ông bỏ ban nhạc, ghi danh vào Đại học New York, khoa kinh tế. Sau đó làm nghề tư vấn. Ông kết bạn với Ayn Rand, một nhà tư tưởng từng gây tranh cãi nhiều khi ông quả quyết rằng những quy định về kinh doanh của chính phủ không chỉ vô hiệu mà còn phạm sai lầm về mặt đạo lý. Tư tưởng này đã được lặp lại trong một tiểu luận của Alan Greenspan viết năm 1966. Trước khi được phê chuẩn làm chủ tịch FED, Greenspan từng làm cố vấn kinh tế cho 3 đời tổng thống: Nixon, Ford và Reagan. Nay sắp đến ngày mãn nhiệm kỳ, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G7 dự định tổ chức một dạ tiệc chia tay ông tại London vào tháng 12 này, nhân cuộc họp cấp bộ trưởng tài chính G7 khi ông đến dự lần cuối cùng. P. THANH (THEO TST) |