Người Mỹ biết gì về thế giới bên ngoài?

Phải đến 3 năm sau sự kiện 11-9-2001 nước Mỹ mới nhận thấy nhu cầu cải thiện kiến thức quốc tế hạn chế của dân chúng Mỹ trở nên bức thiết như thế nào

Nước Mỹ đang phải đối diện với một sứ mệnh khó khăn là lấp lỗ hổng kiến thức quốc tế cho người dân nước này sau khi các cuộc khảo sát được thực hiện sau ngày 11-9-2001 cho thấy người Mỹ đang “thiếu hiểu biết” một cách đáng báo động về châu Á và các khu vực khác trên thế giới, và cũng mù mờ về các nền văn hóa và ngôn ngữ khác ngoài văn hóa và ngôn ngữ của chính họ.

Một trong những bước đi mà Mỹ thực hiện sau các vụ tấn công khủng bố ở New York và Washington ngày 11-9-2001 là tìm hiểu xem công dân Mỹ hiểu biết ra sao về thế giới bên ngoài lãnh thổ của nước họ. Các kết quả thật đáng buồn, đặc biệt là kiến thức của người Mỹ về châu Á, nơi chiếm đến 60% dân số thế giới, hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới và là nơi Mỹ có nhiều bạn hàng lớn với thương mại hai chiều vượt xa thương mại giữa Mỹ với châu Âu, với khoảng 800 tỉ USD/năm.

Theo kết quả của các cuộc khảo sát do Asia Society và nhiều tổ chức khác thực hiện, cứ trong 10 học sinh cấp 3 Mỹ thì có 4 học sinh không đọc được tên của đại dương phân chia nước Mỹ với châu lục lớn nhất hành tinh. Tệ hơn nữa, 8/10 học sinh không biết rằng Ấn Độ là một trong những nước có nền dân chủ lớn nhất thế giới và Mao Trạch Đông là một trong những người sáng lập nước CHND Trung Hoa. Tuy nhiên, không chỉ học sinh là những người đáng bị quở trách, mà các cuộc khảo sát cũng cho thấy ngay cả giáo viên cũng không sẵn sàng truyền đạt những kiến thức ấy cho học sinh. Việc giảng dạy ngôn ngữ ở nước này cũng không phản ánh được thực tế ngày nay.

Theo các cuộc nghiên cứu, trong số 50 trường đại học và cao đẳng đào tạo giáo viên hàng đầu của nước Mỹ, chỉ có một số rất ít có các học phần về lịch sử châu Á dành cho những sinh viên chuẩn bị giảng dạy về lịch sử. Ngoài ra, trong khi hơn 1 triệu sinh viên ở Mỹ học tiếng Pháp, ngôn ngữ được khoảng 80 triệu người trên thế giới sử dụng, chưa tới 40.000 sinh viên Mỹ học tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ của khoảng 1,3 tỉ người sử dụng.

Chuyên gia Michael Levine, giám đốc phụ trách về giáo dục của Asia Society, khẳng định biến cố 11-9-2001 là tiếng gọi thức tỉnh các nhà giáo dục Mỹ rằng cần phải hành động để xóa đi khoảng cách kiến thức về thế giới của người Mỹ. Tổ chức Asia Society đang nỗ lực củng cố sự hiểu biết về châu Á của người Mỹ và sự giao tiếp giữa người Mỹ và người ở các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Để ngăn chặn xu hướng đáng ngại này, theo ông Levine, một số chương trình đã được đề ra nhằm tăng cường sự hiểu biết và kỹ năng quan hệ quốc tế trong các trường học Mỹ. Nhiều bang ở Mỹ đã kết hợp kiến thức về châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và các vấn đề toàn cầu vào trong các tiêu chuẩn học tập về xã hội của họ. Tương tự, lần đầu tiên trong 30 năm qua, Đại học Harvard danh tiếng đã rà soát lại chương trình đào tạo sinh viên năm cuối, chú trọng kiến thức trong một loạt môn học, hiểu biết sâu hơn về các nguyên tắc khoa học và khả năng nắm bắt tốt hơn các vấn đề quốc tế.

Về phần mình, tổ chức Asia Society đang liên kết với Quỹ Goldman Sachs rà soát lại hơn 400 chương trình quốc tế học từ các khu vực trường học ở hầu hết các bang của Mỹ. Họ cũng đang cùng nhau lập một kế hoạch về cách tiến hành tốt nhất các khóa học nâng cao kiến thức quốc tế cho học sinh và sinh viên Mỹ.