Người Mỹ và dự án Sao Hỏa 500
Thực tế, người Mỹ không phải là đối tác dự án Sao Hỏa 500. Tuy nhiên, tiến sĩ David F. Dinges, giáo sư tâm lý khoa phân tâm học Trường Đại học Y khoa Pennsylvania, đã có mặt tại Moscow - Nga trong mấy ngày qua
Các nhà khoa học Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay có truyền thống chuẩn bị những chuyến thám hiểm không gian từ mặt trăng đến sao Hỏa rất kỹ lưỡng.
Họ luôn luôn làm thử trước khi làm thiệt. Dự án Sao Hỏa 500, một cuộc thử nghiệm chuyến bay giả lập lên sao Hỏa không phải là một ngoại lệ. Đứng ra tổ chức thực hiện dự án là Viện Nghiên cứu các vấn đề y-sinh học (IMBP) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Nghiên cứu tâm lý và hành vi
Tổ hợp kỹ thuật – nơi 6 người tình nguyện đa quốc gia đang thực hiện chuyến bay giả lập kể từ ngày 3-6 – được nhiều tổ chức Nga và quốc tế giám sát như ESA (cơ quan Không gian châu Âu) với tư cách là đối tác.
Mỹ tuy không chính thức hợp tác với ESA và IMBP nhưng cũng có một nhóm khoa học gia thuộc Viện Nghiên cứu y-sinh học không gian quốc gia (NSBRI) của nước này dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ David F. Dinges, giáo sư tâm lý Khoa Phân tâm học Trường Đại học Y khoa Pennsylvania, đến IMBP để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
|
Nhóm khoa học gia Mỹ giám sát các phản ứng tâm lý và năng suất lao động của các tình nguyện viên để xác định mức độ mất ngủ, mệt mỏi, stress, thay đổi tâm trạng và xung đột xảy ra trong chuyến bay.
Theo tiến sĩ Dinges - người đứng đầu NSBRI - dữ liệu thu thập được từ trạm vũ trụ Mir (Hòa bình) của Nga, trạm không gian quốc tế (ISS) và các chuyến bay của tàu con thoi Apollo cho thấy những vấn đề về tâm lý và hành vi là thách thức lớn nhất đối với con người khi thực hiện những chuyến bay kéo dài cả năm lên sao Hỏa và các hành tinh xa xôi khác.
Dự án Sao Hỏa 500 đang được tiến hành ở giai đoạn cuối, quan trọng nhất, với 6 tình nguyện viên; thời gian bay đi - bay về sát thực tế: 250 ngày bay đến sao Hỏa, ở lại 30 ngày và quay trở về trong 240 ngày.
Trong thời gian thử nghiệm, Dinges và đồng nghiệp yêu cầu các tình nguyện viên thực hiện nhiều thử nghiệm khoa học quan trọng. Ví dụ như dùng thiết bị giống như đồng hồ đeo tay để đo giấc ngủ hoặc các chương trình máy tính đặc biệt để thu thập thông tin về cảm xúc...
Nói chung, tiến sĩ Dinges và các đồng nghiệp muốn biết khả năng làm việc sáng tạo, phản ứng nhanh, tâm trạng luôn luôn tích cực và đầu óc tỉnh táo có bền vững hay không trong suốt một chuyến đi rất dài.
Bởi các tình nguyện viên phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như suy sụp tinh thần, tâm trạng bất an, thậm chí thay đổi tính tình theo chiều hướng tiêu cực dẫn đến xung đột, bạo lực.
Google cũng tham gia
Dự án Sao Hỏa 500, theo đánh giá của Dinges, là một cơ hội rất tốt để các nhà khoa học hoạch định những chương trình thám hiểm không gian vũ trụ tối ưu. Mỹ không có một dự án nào tương tự.
Với những hiểu biết sâu sắc nhất về tâm lý và hành động của con người, thông qua kinh nghiệm dự án Sao Hỏa 500, người Nga có nhiều lợi thế hơn Mỹ và các nước khác trong việc thực hiện thành công những chuyến bay lên sao Hỏa hay những hành tinh xa hơn.
Đồng thời với việc “khai hỏa” chuyến bay giả lập lên sao Hỏa ngày 3-6 vừa qua, IMBP hợp tác với Google khai trương một website tương tác (http://mars500main.appspot.com.#en) cung cấp thông tin đa dạng về sao Hỏa và chuyến bay 520 ngày lên hành tinh này.
![]() Tiến sĩ David F. Dinges. Ảnh: Dan Burton |
Thông báo của Google cho biết: “Các bạn có thể xem các bản tin video về Sao Hỏa 500 và dạo một vòng sao Hỏa. Các bạn có thể đi dạo hẻm núi Valles Marineris, trèo lên đỉnh Olympus Mons, lén nhìn miệng núi lửa Gusev hoặc xuống các hồ (cạn) nước của sao Hỏa”.
Người xem cũng có thể theo dõi diễn biến của chuyến bay với một bản đồ tương tác mô tả tốc độ, tầm hoạt động và địa điểm “phi thuyền” hạ cánh.
Chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra
Sao Hỏa 500 là một cuộc thử nghiệm chuyến bay giả lập đến sao Hỏa được tiến hành trong ba giai đoạn kéo dài tổng cộng 640 ngày tại khuôn viên IMBP dưới sự bảo trợ của Roscosmos (Cơ quan Không gian Nga).
Giai đoạn đầu, không có người đã được thực hiện từ ngày 15-11-2007 đến 27-11-2007. Mục đích của giai đoạn này là thử nghiệm các thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất và phương thức vận hành.
Giai đoạn thứ hai, dài 105 ngày bắt đầu từ ngày 31-3-2009 với 6 tình nguyện viên bao gồm 4 người Nga và 2 người nước khác sống biệt lập trong tổ hợp kỹ thuật đã kết thúc êm đẹp ngày 14-7-2009.
Giai đoạn ba, quan trọng nhất, kéo dài 520 ngày với 6 tình nguyện viên gồm 3 người Nga, 1 người Pháp, 1 người Ý và 1 người Trung Quốc bắt đầu từ ngày 3-6-2010 và sẽ kết thúc vào ngày 5-11-2011.
Theo lịch, “phi thuyền” sẽ đến sao Hỏa vào ngày 8-2-2011. Nhóm 3 người sẽ “đi bộ” trên sao Hỏa, trong khi 3 người ở lại trong phi thuyền. Ngày 10-3-2011, phi thuyền sẽ quay trở về trái đất.
Mọi người đang hồi hộp không biết kết quả chuyến bay dài ngày nhất trong lịch sử thám hiểm vũ trụ sẽ ra sao. Paddy Power, một tổ chức cá độ trên mạng của Ireland , đã bắt đầu rao nhận cá cược ai sẽ là người bỏ cuộc đầu tiên rời khỏi tổ hợp kỹ thuật này.
Tiến sĩ Dinges, một nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm về tâm lý con người, cũng tỏ ra hết sức dè dặt: “Rất khó đoán chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi chỉ cần họ hoàn thành sứ mạng một cách êm đẹp”.