Người Serb ở Bosnia lên tiếng

Sau khi Mỹ và những nước lớn châu Âu bật đèn xanh cho tỉnh Kosovo của Serbia đơn phương tuyên bố độc lập, nước Bosnia - Herzegovina đang có nguy cơ chia cắt làm hai. Những người Serb ở nước này vừa tuyên bố họ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tuyên bố độc lập của Republika Srpska, thực thể chính trị của người Serb ở Bosnia-Herzegovina

Trong mấy ngày qua, tình hình ở Banja Luka, “thủ đô” của Republika Srpska (RS) – còn gọi là Cộng hòa Serb - cực kỳ nóng. Hôm 26-2, khoảng 10.000 người đã xuống đường tuần hành hô khẩu hiệu chống Kosovo tuyên bố độc lập đồng thời tiến về tòa nhà lãnh sự Mỹ định tấn công nơi này nhưng bị cảnh sát ngăn chặn. Những người biểu tình ném đá và chai xăng vào cảnh sát nhưng sau đó chạy tán loạn khi cảnh sát dùng lựu đạn cay phản công. Trước đó, Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Banja Luka sau khi bị người dân địa phương ném đá.

Mong manh Bosnia

Bosnia-Herzegovina, trước kia là một trong sáu bang của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Nam Tư, giành được độc lập sau cuộc chiến Nam Tư (1992-1995). Hiện nay, nước này là ứng cử viên tiềm năng thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU) và tổ chức quân sự NATO.

Nước Bosnia-Herzegovina có ba sắc tộc: Bosniak (48% dân số), Serb (31%) và Croat (14%). Theo Hiệp định Hòa bình Dayton, Bosnia-Herzegovina có một chính phủ trung ương và hai chính phủ bán tự trị là RS và Liên bang Bosnia-Herzegovina. Đương kim tổng thống RS là Rajko Kuzmanovic, còn thủ tướng là Milorad Dodok.

Từ lâu, người Serb chiếm đa số ở RS rất muốn tách khỏi Bosnia-Herzegovina nhưng chưa có cơ hội tốt. Lần này, có vẻ như họ muốn tận dụng cơ hội Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập để noi theo.

Bốn ngày sau sự kiện Kosovo tuyên bố độc lập, Nghị viện RS đã họp phiên khẩn cấp thông qua một nghị quyết về Kosovo. Theo nghị quyết này, RS sẽ không bao giờ công nhận Kosovo độc lập. Hơn nữa RS sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tuyên bố độc lập của mình nếu “đông đảo thành viên của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là các nước EU, công nhận nền độc lập của Kosovo”. Nghị quyết này - được xem như một tối hậu thư của người Serb ở Bosnia-Herzegovina - đã được tất cả nghị sĩ người Serb tán thành. Chỉ có 5 nghị sĩ không phải là người Serb bỏ phiếu chống.

Tình hình nói trên cho thấy sự mong manh của Bosnia-Herzegovina. Nếu RS thực hiện các bước của nghị quyết trên, điều đó có nghĩa là Hiệp định Hòa bình Dayton (bang Ohio, Mỹ) sẽ bị xét lại.

Bởi vậy, ngay hôm sau, tất cả đại sứ các nước thành viên EU tại Sarajevo – thủ đô chính thức của Bosnia-Herzegovina – đồng thanh lên tiếng bác bỏ nghị quyết của Quốc hội RS. Bản thông cáo chung nhấn mạnh: “Các đại sứ EU đã cương quyết bác bỏ nghị quyết này”. Tất cả đều tái xác định rằng hai thực thể chính trị hình thành Bosnia-Herzegovina sau cuộc xung đột liên cộng đồng 1992-1995 là RS và Liên bang Bosnia-Herzegovina “không có quyền ly khai”.

Charles English, đại sứ Mỹ tại Bosnia-Herzegovina, về phần mình cũng đã chỉ trích mạnh mẽ bản nghị quyết của RS. Ông tuyên bố: “Bosnia-Herzegovina là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nó là những thực tế không thể chối cãi. Một cuộc chiến kéo dài ba năm đã giúp trả lời cho câu hỏi có quyền tách khỏi Bosnia hay không. Hiệp định Dayton đã giải quyết vấn đề đó: Không ai có quyền làm như thế”.

img
Người Serb ở Mitrovica hôn quốc kỳ Serbia, một cử chỉ phản đối Kosovo độc lập

Tuy nhiên, giáo sư đại học Ivan Sijakovic lưu ý rằng không nên xem thường nghị quyết của Nghị viện RS. Theo ông, các chính khách RS không đáng sợ bằng “chính công dân tạo áp lực lớn lên các chính khách”. Ông nhắc nhở rằng đa số người Serb ở Bosnia-Herzegovina (31% trên tổng số 3,8 triệu dân của Bosnia-Herzegovina) muốn tách ra khỏi Bosnia-Herzegovina.

Emir Habul, một nhà phân tích chính trị ở Sarajevo, lưu ý rằng ý tưởng ly khai của RS tồn tại từ năm 1992. Nó chưa có dịp bùng nổ vì chưa gặp cơ hội, đương kim thủ tướng RS, Milorad Dodik - được xem là người hùng của RS – cho đến nay vẫn giữ một lập trường ôn hòa. Thế nhưng, sự kiện Kosovo có thể làm thay đổi hiện trạng.

Kosovska Mitrovica nóng bỏng

Chỉ vài giờ sau khi Nghị viện RS tuyên bố Cộng hòa Serb có quyền tự quyết như người Albania ở Kosovo, Edward Kokoity, lãnh tụ Nam Ossetia cho biết rằng hai vùng ly khai của nước Cộng hòa Georgia (cũng gọi là Gruzia) là Abkhazia và Nam Ossetia đang lên kế hoạch đề nghị Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) – bao gồm 12 nước trước đây thuộc Liên Xô – công nhận họ như quốc gia độc lập.

Nhưng vấn đề đang gây đau đầu nhất cho Mỹ và EU là những dấu hiệu cộng đồng người Serb ở thành phố Kosovska Mitrovica, miền Bắc Kosovo, muốn tách ra khỏi Kosovo. Kể từ ngày Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, không ngày nào ở thành phố có hai cộng đồng người Serb và người Albania này - người Serb ở bờ Bắc sông Iba và người Albania ở bờ Nam - không có những vụ bạo động.

Cả ngàn người Serb xuống đường đốt cờ các nước EU, buộc nhân viên các cơ quan EU phải rút về nước. Tệ hơn, cảnh sát Kosovo đã bị thanh niên người Serb tấn công bằng gạch đá và bom xăng. Tình hình ở thành phố nhỏ của Kosovo này căng thẳng không thua ở Belgrade, thủ đô Serbia, nơi tòa đại sứ Mỹ bị tấn công nặng nề.

Lực lượng KFOR của NATO và cảnh sát của EU đã được gửi đến Mitrovica để tái lập trật tự nhưng sự hiện diện của họ ở đây như đổ dầu vào lửa. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng việc tăng cường lực lượng quân sự và cảnh sát ở Mitrovica là không phù hợp với Nghị quyết 1244 của Liên Hiệp Quốc. Nếu họ không giữ được thái độ trung lập thì Nga có quyền xem xét lại chính sách của mình trong khu vực.

Đáng chú ý hơn nữa là tuyên bố của Alexander Botsan, người phát ngôn Nga ở Balkans. Ông này không ngần ngại cảnh báo rằng Kosovo có thể tách ra làm đôi. Người Serb sẽ kiểm soát khu vực phía Bắc giáp ranh với Serbia.