Nhật quốc hữu hóa 4 đảo ở Senkaku

Trung Quốc điều tàu hải giám đến vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp

Chính phủ Nhật Bản hôm 11-9 đã ký hợp đồng mua 3 trong số 5 đảo chính thuộc quần đảo Senkaku với chủ sở hữu tư nhân bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và Đài Loan. Hợp đồng được ký kết sau quyết định của Chính phủ Nhật Bản tại cuộc họp nội các trước đó về việc chi 2,05 tỉ yen từ quỹ dự phòng để mua đảo. Với hợp đồng mới này, Chính phủ Nhật Bản đã sở hữu 4 trong số 5 đảo chính của Senkaku, đồng thời tiếp tục thuê đảo còn lại. Theo hãng tin Reuters, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm quản lý số đảo mới mua.
 
img
Quần đảo đang gây sóng gió trong quan hệ Nhật - Trung.  Ảnh: REUTERS

Trung Quốc tuyên bố không nhượng bộ

Phát biểu sau cuộc họp nội các, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nhắc lại mục đích của việc quốc hữu hóa nói trên là “quản lý các đảo một cách hòa bình và ổn định”.  Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng động thái này còn nhằm ngăn kế hoạch mua và phát triển quần đảo của Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara vốn có thể khiến Trung Quốc càng thêm giận dữ nếu nó được thực hiện.

Bên cạnh đó, ông Gemba cũng kêu gọi Bắc Kinh hành động kiềm chế khi cho rằng sự phát triển ổn định của mối quan hệ Nhật – Trung không thể bị tổn hại bởi vấn đề này. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã cử một quan chức đến Trung Quốc hôm 11-9 để giải thích động thái quốc hữu hóa đảo của Tokyo nhằm tránh sự hiểu lầm đáng tiếc.

Tuy nhiên, những phản ứng của Trung Quốc cho thấy nước này đã phớt lờ lời kêu gọi trên của ông Gemba.  Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 11-9 đã gọi  động thái quốc hữu hóa đảo của Nhật Bản là “trái phép” và  xâm phạm chủ quyền nước này. Cùng ngày, Tân Hoa Xã đưa tin 2 tàu hải giám nước này đã đến vùng biển xung quanh quần đảo mà nước này gọi là Điếu Ngư để “khẳng định chủ quyền”. Lực lượng hải giám Trung Quốc cho biết thêm họ đã lên kế hoạch hành động để bảo vệ chủ quyền khu vực này. Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản vẫn chưa xác nhận sự hiện diện của 2 tàu này gần quần đảo tranh chấp.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố Bắc Kinh sẽ quyết không nhượng bộ trong tranh cãi chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản. Tương tự, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc khẳng định rằng quyết định của Nhật Bản “mua” quần đảo Điếu Ngư là trái phép và không có giá trị. Đây cũng là khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản  Yoshihiko Noda  bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Nga vào cuối tuần rồi.
Nhật Bản thay đại sứ tại Trung Quốc
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa đến trụ sở Bộ Ngoại giao nước này để phản đối mạnh mẽ việc Nhật Bản công bố kế hoạch quốc hữu hóa một phần quần đảo Điếu Ngư. Trong một động thái đáp trả khác, Bắc Kinh đã công bố đường cơ sở lãnh hải thuộc quần đảo Điếu Ngư.
Thông tin về việc quốc hữu hóa đảo đã dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối nhỏ tại một vài thành phố Trung Quốc hôm 11-9. Tân Hoa Xã cho biết hơn vài chục người mang theo biểu ngữ tập trung bên ngoài Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh để khẳng định chủ quyền đối với Điếu Ngư. Các đám đông cũng xuống đường phản đối Nhật Bản ở 2 thành phố Quảng Châu và Uy Hải.

Trong một diễn biến liên quan, Nội các Nhật Bản hôm 11-9 quyết định bổ nhiệm ông Shinichi Nishimiya làm đại sứ mới tại Trung Quốc, thay ông Uichiro Niwa. Vào tháng 6 vừa qua, ông Niwa đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ trong nước khi bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch mua đảo tranh chấp của chính quyền Tokyo có thể khiến quan hệ Nhật - Trung xấu đi nghiêm trọng.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10-9 đã bày tỏ lo ngại về căng thẳng đang gia tăng ở biển Hoa Đông, đồng thời  hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp ngoại giao cho vấn đề quần đảo tranh chấp. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo rằng các vụ tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đe dọa tới kinh tế toàn cầu.
 
Hàn Quốc vận động chủ quyền trên báo Nhật Bản

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan tuyên bố với một nhóm nhà báo Hàn Quốc tại cuộc họp báo ở Oslo (Na Uy) hôm 11-9 rằng chính quyền sẵn sàng chạy đua với Nhật Bản trong chiến dịch quảng cáo trên báo chí Nhật Bản nhằm tuyên bố chủ quyền của phần lớn các đảo nhỏ phía Đông quần đảo Dokdo.
Hãng tin Yonhap dẫn lời Ngoại trưởng Kim nói rằng kế hoạch này nhằm đối phó với việc chính quyền Nhật Bản tăng cường quảng cáo trên báo chí trong tuần này nhằm lặp lại tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Dokdo (được Nhật Bản gọi là Takeshima). Theo ông Kim, qua cuộc vận động quảng cáo này, chính quyền Hàn Quốc muốn nói với nhân dân Nhật Bản rằng Dokdo thuộc về Hàn Quốc, xét theo quan điểm lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế. Ông nói: “Chúng ta sẽ bảo đảm ngân sách vận động quảng cáo nhằm nói rõ rằng “Dokdo thuộc lãnh thổ chúng ta” trên báo chí Nhật Bản”. _Lưu Nguyễn