Nhiệm kỳ “con vịt què”!
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, dù đúng hay sai, đang ngày càng bị phê phán là không hiệu quả. Những con người tài ba thiết tha làm việc cho chính phủ từng được mô tả là “dòng chảy cuồn cuộn” nay đã thu hẹp thành “vòi nước nhỏ giọt” và nhiều vị trí trọng yếu không có người đảm đương trong nhiều tháng, thậm chí mấy năm trời.
Báo The Washington Post cho rằng ở một mức độ nào đó, dư luận có quyền đổ hết lỗi lên người đứng đầu nhà nước. Theo tờ báo, không riêng ông Obama, phần lớn những gì các tổng thống Mỹ làm trong nhiệm kỳ đầu - nhất là ở nửa sau của nhiệm kỳ - đều nhằm bảo đảm tái đắc cử hơn là vì bất cứ mục đích dài hơi nào. Do đó, họ thường trải qua nhiệm kỳ thứ hai rất nhọc nhằn khiến nước Mỹ cũng lao đao theo.

Có ý kiến mô tả nhiệm kỳ thứ hai là “con vịt què” vì khi gần hết thời gian tại vị, các nhà lãnh đạo Mỹ mất đi khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy. Chẳng hạn, với cựu Tổng thống George W. Bush, nhiệm kỳ thứ hai (2005-2009) khởi đầu bằng nỗ lực cải tổ an sinh xã hội một cách vô ích, sau đó bị nhấn chìm trong thất bại bởi trận bão Katrina và nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính. Người ta nhớ đến nhiệm kỳ tiếp nối của ông Bill Clinton (1997-2001) bởi bê bối tình ái với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky, trong khi nhiệm kỳ thứ hai của ông Ronald Reagan (1985-1989) được đánh dấu bằng xì-căng-đan Iran-Contra (hay Irangate) và cảm giác về một vị tổng thống xa rời chức trách.
Cựu Tổng thống Richard Nixon thậm chí chưa hoàn tất nhiệm kỳ hai bắt đầu từ năm 1973 vì ông từ chức do vụ Watergate chỉ 1 năm sau đó. Với Harry Truman, ông gây dấu ấn về nhiệm kỳ tổng thống thứ hai (1949-1953) bằng cuộc chiến Triều Tiên cùng tỉ lệ ủng hộ cực kỳ thấp. Những trường hợp nêu trên khiến nhiều học giả cho rằng cần bàn lại giới hạn 2 nhiệm kỳ tổng thống mà Hiến pháp Mỹ quy định. Người ta đặt vấn đề: Chính phủ Mỹ có hoạt động tốt hơn nếu hạn chế ở 1 nhiệm kỳ tổng thống 6 năm?