Những bộ lạc người cổ có giác quan thứ 6?

Sáng 28-12-2004, 2 ngày sau thảm họa sóng thần, từ trên máy bay trực thăng của quân đội Ấn Độ tìm cứu nạn nhân, người ta nhìn thấy một thổ dân bộ lạc trần truồng đứng trên bờ biển một đảo nhỏ của quần đảo Andaman ở miền Nam Ấn Độ, giương cung bắn lên máy bay. Đây là hành động xua đuổi tà ma của người bộ lạc cổ Andaman.

Các nhà nhân chủng học Ấn Độ đang tìm hiểu tại sao những người bộ lạc ở đây thoát khỏi thảm họa sóng thần vừa qua trên các hòn đảo của họ. Nhà nhân chủng học Ashish Roy nói: “Họ thoát chết vì có bản năng lường trước được sự chuyển động của gió, sóng biển và chim bay. Họ có thể đánh hơi được luồng gió, đo được độ sâu của nước biển qua tiếng vỗ của mái chèo khi chèo thuyền. Rõ ràng họ có giác quan thứ 6 mà chúng ta không có”.

Giờ đây người ta được biết các bộ lạc người cổ ở quần đảo Andaman và Nicobar đã lường trước hiểm họa, đã chạy trốn tới các khu rừng cao trước khi sóng thần tràn vào các đảo. Hầu như không có ai thiệt mạng. Sau thảm họa sóng thần, các quan chức địa phương thống kê được 41 người ở đảo Andaman và 73 người ở đảo Onge vẫn an toàn. Họ đã kịp thoát nạn trước khi sóng thần ập tới.

Theo điều tra dân số của Ấn Độ năm 2001, có từ 400 đến gần 1.000 thổ dân thuộc 5 bộ lạc được đặt theo tên các đảo họ sinh sống là Andaman lớn, Onge, Jarawa, Sentinel, Shompen. Những đảo này nằm trong số hơn 500 hòn đảo trải trên diện tích 8.300 km2 vùng biển vịnh Bengal. Các thổ dân bộ lạc vẫn duy trì lối sống cổ xưa từ thời kỳ đồ đá cũ, săn bắt thú rừng và đánh cá làm thức ăn, sống trong các túp lều lợp lá rừng. Họ không mặc quần áo, biết mài đá lấy lửa, hoàn toàn cách biệt với cuộc sống văn minh. Các nghiên cứu nhân chủng học kết luận nguồn gốc của những bộ lạc này có thể tồn tại từ 70.000 năm trước. Họ từ châu Phi lưu lạc tới Indonesia rồi sang Ấn Độ và tồn tại cho đến ngày nay.