Những cáo buộc của FBI

Aafia Siddiqui cho rằng chị bị bắt cóc hồi đầu tháng 3-2003. Người Mỹ đã giam chị ở một nơi bí mật hơn 5 năm. Người tra vấn chị là một người Mỹ mặc thường phục không có bảng tên

Cách tra vấn chị khá đặc biệt. Hằng ngày, họ mở băng ghi âm những tiếng khóc thét kinh hoàng của mấy đứa con chị. Ngoài ra, chị còn bị bắt viết hàng trăm trang giấy về cách chế tạo “bom dơ” và tấn công bằng virus gây bệnh.

Suleman, đứa con nhỏ nhất của chị, không biết bị bắt đem đi đâu. Họ cho chị xem ảnh bé Ahmed, 7 tuổi, là con trai đầu lòng của chị, nằm trong một vũng máu. Đứa duy nhất mà thỉnh thoảng chị được thấy mặt là Mariam.

Người tù bí ẩn

Chuyện Aafia Siddiqui nói bị bắt cóc có phải là sự thật hay không? Theo hãng tin Mỹ AP ngày 19-11-2008, Chính phủ Mỹ cho rằng việc Aafia bỗng dưng mất tích từ năm 2003 là có thể có nhưng lại giải thích rằng đó là thời gian Aafia đi trốn sau khi làm đám cưới với một thành viên của Al-Qaeda. Tay này đã giúp những tên khủng bố gây ra vụ tấn công đẫm máu nước Mỹ ngày 11-9-2001. Ngoài ra, Aafia có quen biết Khalid Sheikh Mohammed là đầu têu vụ tấn công này.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ David Raskin cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đã cất công đi thu thập những chứng cứ chứng minh Aafia bị giam giữ ở Afghanistan nhưng chẳng tìm ra “chút manh mối nào”. Theo Raskin, giả thuyết Aafia đi trốn là có cơ sở vì những người cùng một giuộc với y thị lúc đó lần lượt bị bắt, trong đó “có ít nhất hai người phải vào nhà lao ở vịnh Guantanamo”.

Raskin kết luận: “Chúng tôi không tìm thấy bất cứ chứng cứ nào cho thấy Aafia bị lực lượng Mỹ hay một thế lực đen tối nào khác bắt cóc, tra tấn hay những gì mà chúng tôi được nghe tới nghe lui không biết bao nhiêu lần”.

Về đứa con trai bị cảnh sát Afghanistan bắt chung với Aafia, Raskin khẳng định rằng cậu bé này đã được thả ra sau khi thử ADN để xác định xem có phải là con ruột của Aafia hay không.

Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho Aafia Siddiqui tại phiên tòa ở Manhattan là bà Elizabeth Fink đã bác bỏ những lời nói trên của Raskin. Bà Fink tin rằng mật vụ Pakistan đã bắt cóc Aafia trên đường ra sân bay năm 2003. Bà cho biết thêm cậu bé bị bắt chung đã bị tiêm và bắt uống thuốc quá nhiều cho nên hiện giờ tâm thần không được ổn đang được một bác sĩ tâm thần chữa trị. Riêng đứa con út, năm nay 6 tuổi, có lẽ đã chết hay bị giết lúc bị cầm tù.

Báo chí Pakistan nói gì về vụ Aafia Siddiqui bỗng dưng biến mất? Một năm sau khi Aafia biệt tích, Dawn, một nhật báo thường nắm được nhiều nguồn tin đáng tin cậy, dẫn lời người phát ngôn của Bộ Nội vụ Pakistan, cho biết Aafia bị bắt tại Karachi và sau đó giao lại cho Mỹ. Ngày 21-4-2003, đài truyền hình Mỹ NBC có thuật lại vụ bắt Aafia trong bản tin buổi tối.

img
Aafia Siddiqui tại lễ tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Massachussetts

Như vậy có thể nói, Raskin đã nói dối. Ngoài ra, tờ Der Spiegel của Đức dẫn nguồn tin tình báo của Pakistan cũng nói Aafia bị giam giữ ở Pakistan cho đến cuối năm 2003. Suleman, con trai út của chị, bị bệnh mà chết trong tù. Elaine Whitefield Sharp, luật sư đại diện cho gia đình Aafia Siddiqui từ năm 2003, tin rằng Aafia đã được xếp vào loại tù nhân cao cấp và trải qua 5 năm trong một địa điểm có tên gọi là “Điểm đen” ở Bagram, Afghanistan. Tóm lại, theo bà Elaine, chuyện chị Aafia Siddiqui bị Mỹ giam cầm tại một địa điểm bí mật ở Afghanistan hoặc một nước nào là có thật.

Buôn lậu kim cương

Aafia Siddiqui lấy một người chồng từng bị FBI tình nghi có liên hệ với khủng bố cũng là chuyện có thật. Aafia lấy bác sĩ gây mê Amjad Khan theo sự xếp đặt của cha mẹ năm 1995. Đám cưới được tiến hành qua... máy điện thoại bởi Aafia ở Boston còn Amjad ở Karachi. Hai vợ chồng sống ở Boston, có hai đứa con nhưng cứ hục hặc cãi nhau suốt. Amjad đánh vợ con hà rầm. Sau biến cố 11-9, cả hai vợ chồng đem con cái về Karachi. Amjad muốn ly dị, nhưng theo luật Hồi giáo là không thể vì lúc đó Aafia đang có mang Suleman.

Những cáo buộc Aafia Siddiqui có những hoạt động liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda chỉ được FBI nêu ra sau khi Aafia mất tích. Theo FBI, Aafia và chồng bị tình nghi sau khi họ dùng thẻ tín dụng để mua ống dòm nhìn xuyên màn đêm và áo giáp chống đạn trên mạng. Amjad khai với FBI rằng mua để đi săn thú ở Pakistan.

Aafia cũng bị cáo buộc thuê hộp thư lưu trữ ở bưu điện Maryland vào cuối năm 2002 cho một người mang tên Majid Khan. Người này mang quốc tịch Pakistan, bị tình nghi lên kế hoạch tấn công các trạm xăng ở vùng Baltimore theo lệnh của Sheikh Mohammed. Majid hiện bị giam ở nhà tù Guantanamo.

Một trong những cáo buộc nặng ký nhất là chuyện Aafia đi buôn lậu kim cương để hỗ trợ các hoạt động khủng bố của Al-Qaeda. Theo hồ sơ FBI, tháng 6-2001, vài tháng trước sự kiện 11-9, Aafia đến Monrovia, thủ đô nước Liberia, với tư cách là đại diện của Al-Qaeda, đặt mua 19 triệu USD kim cương ở thị trường chợ đen để bán lại lấy tiền nuôi tổ chức. Alan White, nguyên trưởng ban điều tra tòa án tội phạm chiến tranh ở Liberia, khẳng định rằng vào ngày 16-6-2001, Aafia xuất hiện ở Monrovia với tên giả là Fahrem. Alan còn nói tài xế của y có thể làm chứng chuyện đó.

Tuy nhiên, theo tờ Der Spiegel, những lời khai và cáo buộc nói trên không thể kiểm chứng vì, hoặc là nhân chứng không còn ở trên đời này hoặc là những lời khai thu thập trong những tình huống khả nghi. Nói chung, chính quyền Mỹ không thể khẳng định bất cứ cáo buộc nào vừa kể. Có lẽ vì vậy mà Aafia Siddiqui sau khi bị bắt ở Ghazni chỉ bị truy tố về tội mưu sát nhân viên an ninh Mỹ chứ không đả động gì đến các tội khủng bố. Thế nhưng, tại sao FBI vẫn công bố lệnh truy nã khẩn cấp từ năm 2004?