Những cử tri đầu tiên bầu Tổng thống Mỹ

(NLĐO)- Cư dân tại hai ngôi làng nhỏ Dixville Notch và Hart tại bang New Hampshire đã bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử chính thức hôm nay (6-11).

img
Cử tri tại Dixville Notch chờ tới giờ bỏ phiếu. Ảnh: Reuters

Cũng giống như phần còn lại của nước Mỹ, trong số những cư dân đầu tiên của Mỹ đi bỏ phiếu đã cho thấy sự chia rẽ rõ rệt.

Tại Dixville Notch, phòng bỏ phiếu ở thị trấn này được mở ngay sau nửa đêm theo giờ Mỹ tức khoảng 12 giờ ngày 6-11 (theo giờ Việt Nam). Sau 43 giây bỏ phiếu đầu tiên, kết quả 10 lá phiếu của người dân làng Dixville cho kết quả đương kim Tổng thống Barack Obama và đối thủ Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney, đều nhận được 5 phiếu ủng hộ.

Tại làng Hart, 33 người cũng đã tham gia bỏ phiếu trong vòng 5 phút 42 giây. Kết quả cho thấy Tổng thống Obama giành 23 phiếu, ứng cử viên  Romney giành 9 phiếu và ứng cử viên Gary Johnson của Đảng Tự do 1 phiếu.
 
img
Bỏ phiếu tại Dixville Notch. Ảnh: USA Today


 
Hai ngôi làng nhỏ thuộc bang New Hampshire này bắt đầu trọng trách bỏ phiếu đầu tiên của nước Mỹ từ năm 1948 - điều luôn khiến họ cảm thấy tự hào trong mỗi lần bầu cử.

Bang New Hampshire chỉ có duy nhất 4 phiếu đại cử tri trong số 538 phiếu trong Đại cử tri đoàn Mỹ, tuy nhiên, trong bối cảnh các ứng viên tổng thống Mỹ đang rượt đuổi sít sao này, 4 phiếu đại cử tri ở bang New Hampshire có thể sẽ là điều kiện cần thiết để quyết định ông chủ của Nhà Trắng. Phó Tổng thống Al Gore là người cực kì thấm thía bài học này trong cuộc tranh cử năm 2000 khi ông giành  được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng vẫn thua trong cuộc bầu cử bởi bị ông George W. Bush đánh bại về số phiếu đại cử tri. Nếu ông Al Gore chỉ cần giành thắng lợi ở New Hampshire, câu chuyện đã đi theo hướng hoàn toàn khác.

 
Vào lúc 7 giờ, theo giờ địa phương Bờ biển Đông nước Mỹ (tức 19 giờ, theo giờ Hà Nội), các điểm bỏ phiếu khác ở New Hampshire, cũng như New York, New Jersey, Virginia, Indiana, Maine và Connecticut sẽ mở cửa.
 
Ông Obama rơi lệ
 
img


Vào thời khắc kết thúc đợt tranh cử cuối cùng vào đêm 5-11 ở Iowa trước khi lên máy bay trở về thành phố quê hương Chicago trong ngày bầu cử, ông Obama đã không giấu nổi giọt nước mắt nghẹn ngào khi kêu gọi người Iowan hãy giúp ông hoàn thành việc mà ông đã bắt đầu 4 năm trước đó.