Những hồi chuông cảnh báo
Phản ứng đầu tiên và quyết liệt nhất đến từ nước Canada. Sau đó Mỹ, Đan Mạch và Na Uy cũng có những động thái nhằm chứng minh họ cũng có phần ở Bắc cực. Cuộc chạy đua làm chủ thềm biển Bắc cực giàu dầu khí, sinh vật biển và khoáng sản này chưa bao giờ sôi nổi và đáng cảnh báo như thế
Phát súng đầu tiên của Canada mang hơi hướng chiến tranh lạnh: Thủ tướng Stephen Harper loan báo rằng Canada sẽ khai trương một trung tâm huấn luyện binh lính chiến đấu trong điều kiện băng giá ở vịnh Resolute và một cảng nước sâu lưỡng dụng (quân sự và dân sự) ở Nanisivik, cực Bắc đảo Baffin nằm trong vùng Bắc cực. Canada cũng đã tăng cường thêm 900 biệt động quân ở vùng cực Bắc nước này. Chưa hết, từ ngày 7 đến 17-8, Canada thực hiện “chiến dịch chủ quyền”, một trong bốn cuộc tập trận quân sự ở Bắc cực trong năm nay. Cuộc tập trận này – còn có tên là chiến dịch Nanook 07 – bị các nhà bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế chỉ trích gây ô nhiễm, đe dọa các sinh vật biển trong khu vực.
Cắm cờ, đâu chỉ có Nga
Trên mặt trận chính trị, Ngoại trưởng Canada Peter MacKay đã có một lời bình luận trứ danh về sự kiện Nga cắm cờ dưới thềm biển Bắc cực: “Thời buổi này đâu có giống như hồi thế kỷ 15. Quý vị không thể đi loanh quanh trên thế giới, cắm một cây cờ rồi tuyên bố: “Chúng tôi là chủ của lãnh thổ này”. Nhưng - theo hãng tin Ả Rập MENA – có lẽ ông MacKay quên rằng hồi tháng 9-2005, Bộ trưởng Quốc phòng Canada cùng với một nhóm binh sĩ chiếm cứ đảo Hans, một nơi không có người, chỉ có đá núi lởm chởm, rồi cắm quốc kỳ Canada. Sở dĩ Canada làm ngang như vậy là vì trước đó, vào năm 1984, Đan Mạch – cho rằng đảo Hans là một phần của đảo Greenland thuộc chủ quyền Đan Mạch – đưa người lên đảo cắm cờ Đan Mạch, đào một cái hố dưới chân cột cờ chôn một chai rượu mạnh và treo một tấm biển đề chữ: “Đảo của Đan Mạch chào mừng quý khách”. Hành động của Đan Mạch lúc đó bị Canada và các nước khác phản ứng mạnh. Sau khi lính Canada cùng ông bộ trưởng “tái chiếm” đảo Hans, đến lượt Đan Mạch phản đối hành động “khiêu khích” của Canada.
Phản ứng của Canada không phải chỉ có bấy nhiêu. Thủ tướng Stephen Harper đã có một động thái rất “nặng ký”: Đi kinh lý ba ngày ở vùng lãnh thổ Nunavut, cực Bắc Canada. Tại đây, ông tuyên bố rằng những căn cứ quân sự mới của Canada sẽ hỗ trợ tuyên bố chủ quyền lãnh hải và tài nguyên thiên nhiên của hành lang Tây Bắc chạy dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương qua ngả Bắc cực.
Cũng liên quan đến hành lang Tây Bắc, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Harper loan báo sẽ cho đóng thêm 6-8 tàu tuần duyên với tổng chi phí 7 tỉ USD để bảo vệ hành lang này. Canada hiện nay chỉ có một tàu phá băng lớn, 5 tàu phá băng từ nhỏ đến vừa – quá ít so với quy mô Bắc cực - trong khi Nga có cả một hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Và quan trọng hơn nữa, Canada không có tàu lặn nào như hai chiếc Mir-1 và Mir-2 của Nga. Đây là một trở ngại lớn cho Canada trong việc xác định thềm biển Bắc cực nối liền với thềm lục địa Canada.
Hôm 20-8, Thủ tướng Harper cũng đã nêu vấn đề chủ quyền đối với hành lang Tây Bắc Bắc cực với Tổng thống Bush bên lề hội nghị cấp cao các nước Bắc Mỹ. Dẫu biết rằng Mỹ sẽ khó chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Canada – đại sứ Mỹ tại Canada từng khẳng định rằng hành lang Tây Bắc là của quốc tế – Thủ tướng Harper muốn chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ Canada bảo vệ chủ quyền của mình ở Bắc cực, đồng thời cũng cho thế giới biết Canada vẫn có những khoảng cách nhất định với Mỹ trong nhiều vấn đề.
Mỹ, Đan Mạch: “Chỉ nghiên cứu khoa học”
Phản ứng của Mỹ cũng nhanh chóng không kém. Chỉ bốn ngày sau sự kiện Nga cắm cờ, một đoàn nghiên cứu khoa học Mỹ đi trên tàu phá băng Healy của lực lượng tuần duyên Mỹ đã lên đường trực chỉ hướng Alaska để lập bản đồ lòng biển ngoài khơi Alaska. Cuộc hành trình này dài 925 km và không rõ đoàn có mang theo cờ Mỹ để cắm ở đâu đó hay không. Tuy Chính phủ Nga không có ý kiến về sự kiện này, báo chí Nga bình luận rằng Mỹ đang tích cực tham gia cuộc đua làm chủ tài nguyên biển ở Bắc cực.
Larry Mayer, Giám đốc Trung tâm Bản đồ biển thuộc Trường Đại học New Hampshire, cải chính: “Chúng tôi chỉ làm công tác khoa học, không có ý đồ chính trị gì. Chuyến đi này đã được hoạch định từ nhiều tháng nay và không liên quan gì đến chuyện người Nga cắm cờ dưới biển Bắc cực”.
![]() |
Thủ tướng Stephen Harper tuyên bố sẽ tăng cường hạ tầng cơ sở quân sự ở Bắc cực |
Sau đoàn Mỹ một tuần, đến lượt Đan Mạch cử một đoàn khoa học đến vùng Bắc cực để tìm những chứng cứ khoa học chứng minh rằng dãy núi Lomonosov dài 2.300 km nằm dưới lòng biển Bắc cực nối liền với thềm đảo Greenland của Đan Mạch. Theo Đan Mạch, chuyến đi này đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay. Nếu có được những chứng cứ xác đáng, Đan Mạch có thể tuyên bố chủ quyền đối với dãy núi Lomonosov, theo tinh thần Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Canada và Nga cũng nói dãy núi này là phần tiếp nối thềm biển của mình.
Chuyến đi của đoàn khảo cứu khoa học Đan Mạch sẽ kéo dài 1 tháng. Helge Sander, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Sáng chế phát minh của Đan Mạch, khẳng định: “Những khảo sát ban đầu đã cho những kết quả đáng hứa hẹn”. Sander công nhận Canada và Nga cũng có những dự án nghiêm túc tương tự, nhưng việc cắm cờ (của Nga) chỉ là “một trò đùa”. Sander bức xúc: “Cắm bao nhiêu cờ hay cử bao nhiêu thủ tướng đến Bắc cực đều chẳng có giá trị gì”.
Theo Đài Truyền hình ABC của Úc, một số nhà khoa học tin rằng cả Nga lẫn Đan Mạch đều sai khi cho rằng dãy núi Lomonosov là phần nối dài thềm biển của hai nước vì có một vùng lõm ngăn cách.
Na Uy, nước thứ 5 có quyền lợi ở Bắc cực, không có hành động nào bị xem là khiêu khích. Ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Stoere chỉ kêu gọi Nga, Canada, Mỹ và Đan Mạch đình chỉ ngay cuộc chạy đua tuyên bố chủ quyền bởi vì “đó không phải là cách để giải quyết vấn đề”.