Những nữ lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới
(NLĐO)- Dù cho những thách thức phụ nữ phải đối mặt luôn có phần lớn hơn nhưng rất nhiều phụ nữ đã dũng cảm vượt qua và làm nên những kỳ tích mà thế giới không thể phủ nhận.
Ở đâu đó trên thế giới này, phụ nữ vẫn chưa được đánh giá đúng khả năng của họ, vẫn chưa tới được vị trí lãnh đạo nhưng xu thế đó đang thay đổi đáng kể khi hình ảnh người phụ nữ lãnh đạo đất nước đang ngày càng phổ biến.
Cũng phải nói thêm rằng không phải đến thế giới hiện đại hôm nay mới có phụ nữ làm lãnh đạo. Họ đã giữ cương vị đó từ thuở bình minh của loài người. Các nữ hoàng Ai Cập đã cai quản vùng Mesopotamian từ những năm 3.000 trước công nguyên.
Phụ nữ trở thành thành viên quốc hội ở các quốc gia Đông Âu từ sau đại chiến thế giới. Phụ nữ cũng trở thành lãnh đạo quốc gia ở nhiều nước. Năm 1960, Sirimavo Bandaranaike trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Thủ tướng Sri Lanka. Năm 1974, tại Argentina, bà Isabel Peron trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu cử một cách dân chủ vào vị trí Tổng thống. Tại Anh, Hà Lan và Đan mạch, các nữ hoàng vẫn là những người được kính trọng nhất.
Bài viết dưới đây chỉ đưa ra năm trong số hàng trăm người phụ nữ tuyệt vời nhất của thế giới này – những người có ảnh to lớn đối với xã hội, gồm có Margaret Thatcher, Indira Gandhi, Angela Merkel, Benazir Bhutto và Rosa Parks
”Bà đầm thép” Margaret Thatcher
Khi còn là sinh viên, Margaret Thatcher nghiên cứu hóa học và luật. Khi trở thành Bộ trưởng Giáo dục, bà phải đối mặt những chống đối đáng kể từ các phong trào sinh viên. Nhiệm kỳ thủ tướng của bà dài nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827. Bà trở thành Thủ tướng Anh trong hơn 11 năm (3 nhiệm kỳ), là một nhân tố quan trọng giúp kết thúc chiến tranh lạnh. Bà nổi tiếng là một nhà tư bản cứng rắn, đã giảm thành công chi tiêu chính phủ.
Bà là phụ nữ duy nhất từng đảm nhiệm chức vụ thủ tướng và là lãnh đạo một chính đảng quan trọng tại Anh và, cùng với Margaret Beckett, là một trong hai phụ nữ từng nắm giữ một trong bốn chức vụ then chốt của quốc gia (thủ tướng, bộ trưởng tài chính, bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng ngoại giao). Margaret Thatcher chiếm vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại, do đài BBC thực hiện năm 2002.
Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi
Indira Gandhi là Thủ tướng Ấn Độ trong 3 nhiệm kỳ (14 năm). Bố bà, ông Jawaharlal Nehru, là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Chính sách Garibi Hatao (Xóa nghèo) chính là công cụ đắc lực giúp bà Indira Gandhi thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1971. Bà cũng là người thắng cuộc trong cuộc chiến với Pakistan – cuộc chiến mà sau đó bà đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn Ấn Độ. Tuy nhiên, động thái này khiến bà mất lòng dân và thất bại trong cuộc bầu cử diễn ra sau đó. Sau khi quay lại vị trí thủ tướng vào năm 1980, bà Indira Gandhi vấp phải sự thù hận của người Sikh ở tiểu bang Punjab.
Một thủ lĩnh tôn giáo địa phương, Jarnail Singh Bhindranwale, được chi bộ đảng Quốc Đại hậu thuẫn và xem ông là một sự thay thế cho đảng Akali Dal. Chính trị gia này cũng bị chỉ trích kịch liệt như một kẻ cực đoan và chủ trương ly khai. Tháng 9-1981, Bhindranwale bị bắt giữ tại Amritsar, nhưng được trả tự do 25 ngày sau đó vì thiếu chứng cứ. Bhindranwale rút về căn cứ địa ở Mehta Chowk với Guru Nanak Niwas bên trong khu vực biệt lập của Đền Vàng (Golden Temple).
Ngày 3-6-1984, bà Gandhi cho quân đội tấn công Đền Vàng để trục xuất Bhindranwale và phe nhóm, điều được cho là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với người Sikh.
Ngày 31-10 năm 1984, hai người Sikh thuộc toán cận vệ của Gandhi, Satwant Singh và Beant Singh, đã ám sát bà ngay trong khu vườn của Tư dinh Thủ tướng tại số 1 đường Safdarjung ở New Dehli.
Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel. - Ảnh: Internet
Bà Angela Merkel sinh ngày 17-7-1954, hiện đang điều hành đất nước có GDP lớn thứ 4 toàn cầu. Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu đang lao đao với cuộc khủng hoảng nợ công, bất cứ quyết định nào của eurozone đưa ra đều mang đậm dấu ấn của nữ chính trị gia quan trọng hàng đầu thế giới này.
Bà cũng là chủ tịch của Hội đồng Châu Âu và G8. Năm 2008, Thủ tướng Angela Merkel đứng số 1 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 11-2011 của tờ Le Monde, 46% số người Pháp được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo và khả năng ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính tương lai của bà Merkel nhiều hơn là tin vào Tổng thống Nicolas Sarkozy (33%).
Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto

Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto
Benazir Bhutto là chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), một đảng tiếng bộ của Pakistan. Bà cũng là nữ lãnh đạo đầu tiên của quốc gia Hồi giáo này. Bà làm Thủ tướng Pakistan trong 2 nhiệm kỳ và cả hai đều kết thúc vì những lý do liên quan tới tham nhũng. Bà bị ám sát trong cuộc bầu cử năm 2008.
Lãnh đạo hoạt động nhân quyền Rosa Parks
Rosa Parks (4 /2/1913 - 24 /10/2005) là một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, người đã đượcquốc hội Mỹ tôn vinh là "mẹ đẻ của phong trào nhân quyền hiện đại".
Năm 1955 tại Montgomery, Alabama, Parks, khi đó 42 tuổi, đã từ chối lời đề nghị của người lái xe buýt James Blake yêu cầu nhường chỗ cho một hành khách da trắng. Hành động này của bà đã dấy lên phong trào tẩy chay xe buýt ở Montgomery – một phong trào chống lại sự phân biệt chủng tộc trên xe buýt.
Bà được tạp chí Time bầu chọn là một trong 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ 20.