Những phản ứng của thế giới
(NLĐO) - Ngay sau khi tin cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị hành quyết sáng 30-12 được phát đi, tại Iraq và nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng khác nhau về vụ việc này.
Cựu Tổng thống Saddam Hussein đã bị hành quyết rạng sáng 30-12 theo giờ địa phương (khoảng 10 giờ30 giờ Việt Nam). Đài truyền hình Iraq khẳng định "việc hành quyết ông đã hoàn tất".
Ông Hussein bị treo cổ sau khi Toà án Tối cao Iraq bác bỏ lời kháng cáo và Tòa Phúc phẩm Iraq ra phán quyết y án tử hình đối với ông theo đúng bản án mà Tòa án Sơ thẩm tuyên hôm 5-11 buộc ông phạm "tội ác chống loài người" do đã ra lệnh thảm sát 148 người Hồi giáo dòng Shiite, phía Bắc thủ đô Baghdad năm 1982.
Việc hành quyết ông Hussein diễn ra bất chấp những nỗ lực của các luật sư bào chữa và sự phản đối của dư luận trong nước cũng như dư luận quốc tế.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29-12 tuyên bố các lực lượng của Mỹ ở Iraq được đặt trong tình trạng báo động cao để sẵn sàng đối phó với tình huống bạo lực có thể gia tăng sau vụ hành quyết ông Hussein.
Trong tuyên bố phát đi vài giờ sau khi ông Hussein bị hành quyết, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã kêu gọi người dân Iraq không nên để việc này ảnh hưởng tới các cộng đồng người Iraq. Ông kêu gọi Chính phủ đoàn kết dân tộc cùng người dân tiếp tục các nỗ lực để tái thiết đất nước trên mọi mặt.
Tại Baghdad, nhiều thành viên trong cộng đồng người Sunni đã bày tỏ sự phẫn nộ trước việc ông Hussein bị hành quyết và lo ngại sự việc có thể càng khoét sâu mối bất đồng giữa hai cộng đồng người Sunni và Shiite.
Ngay trong ngày, Chính phủ Li-bi đã tuyên bố tổ chức quốc tang ông Hussein trong 3 ngày và hủy bỏ tất cả các lễ hội trong dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ G.Bush đang nghỉ ở trang trại tại bang Texas đã ra tuyên bố thừa nhận việc tử hình ông Hussein sẽ không thể chấm dứt được bạo lực tại Iraq, nhưng là một "mốc quan trọng" trên con đường xây dựng Iraq thành một nước dân chủ có thể quản lý, tồn tại lâu dài và tự bảo vệ được mình.
Tại Washinggton, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mỹ Edward Kennedy cho rằng đây là thời điểm để người dân Iraq thu hẹp bất đồng và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Trong khi đó, trước sức ép ngày càng tăng của dư luận Mỹ đòi Chính phủ rút 140.000 lính Mỹ ở Iraq về nước, Tổng thống G.Bush công bố chiến lược sửa đổi về Iraq trong hai tuần tới.
Đại diện Liên minh châu Âu (EU), ông E.Tuomioja, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, tuyên bố EU lên án mạnh mẽ việc hành quyết ông Saddam Hussein và cho rằng sự việc này sẽ càng gây chia rẽ bên trong Iraq.
Trước đó, Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU Javier Solana cũng đã lên án việc tử hình ông Saddam.
Tại Luân Đôn, Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett, một trong những đồng minh thân cận của Mỹ, nhận định ông Saddam đã "phải trả giá" cho những tội ác mà ông gây ra.
Pháp thì cho rằng đây là quyết định của người dân Iraq và kêu gọi tất cả nhân dân Iraq hãy hướng tới tương lai và nỗ lực cho sự hòa giải và thống nhất đất nước.
Nga cho rằng việc hành quyết ông Saddam sẽ chỉ gây thêm sự bất ổn định mới tại Iraq và khu vực. Trong tuyên bố, Bộ ngoại giao Nga nêu rõ rằng cũng như nhiều nước khác, Nga phản đối việc hành quyết ông Saddam và lấy làm tiếc rằng những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế không áp dụng án tử hình đối với cựu Tổng thống Iraq đã bị "lờ đi".
Một số nước châu Á cũng đã ngay lập tức có phản ứng về việc cựu Tổng thống Saddam Hussein bị hành quyết và tỏ ý lo ngại việc này sẽ không thể giúp chấm dứt các vụ bạo lực đẫm máu ở Iraq.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 30-12 cho biết Nhật Bản tôn trọng quyết định của Iraq hành quyết ông Hussein và khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Iraq.
Ông Abe nhấn mạnh: "Nhật Bản hy vọng Iraq sẽ trở thành một quốc gia ổn định và sẽ cùng với cộng đồng quốc tế tiếp tục trợ giúp Teheran".
Trước đó, ngày 28-12, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn dự luật sửa đổi, kéo dài sứ mệnh của Lực lượng phòng vệ trên không tại Iraq thêm hai năm đến tháng 7-2009. Nhật Bản hiện là nước tài trợ chính cho Iraq với việc xóa 6 tỉ USD tiền nợ và viện trợ 1,5 tỉ USD cho nước này.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Alexander Downer cho biết Australia tôn trọng quyết định của Iraq và cho rằng cái chết của ông Saddam đánh dấu một bước đi quan trọng trong tiến trình hòa giải dân tộc tại Iraq hiện nay và trong tương lai.
Iran hoan nghênh việc ông Saddam bị xử tử, coi đó là một "chiến thắng" đối với người dân Iraq. Tuy nhiên, Iran cũng cảnh báo việc này có thể càng làm gia tăng tình trạng bất ổn ở Iraq trong thời gian tới. Trong khi đó, Tòa thánh Vatican đã gọi việc xử tử ông Saddam là một "bi kịch" và cho rằng điều này chỉ nuôi dưỡng thêm ngọn lửa thù hận.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Mỹ) cũng đã lên án vụ hành quyết ông Hussein.
Malaysia, nước đang giữ cương vị chủ tịch Hội nghị các nước Hồi giáo, cho biết vụ việc có thể càng làm tăng nguy cơ đổ máu tại Iraq.
Thái Lan và Singapore đều cho rằng việc hành quyết ông Hussein được tiến hành theo đúng luật pháp của Iraq.
Cambodia thì cho rằng vụ hành quyết đáng lẽ không nên diễn ra.
Trung Quốc đã tránh bình luận về vụ này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết công việc của Iraq nên để người dân Iraq quyết định.
Trung Quốc hy vọng Iraq có thể đạt được sự ổn định và phát triển trong một thời gian sớm nhất.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra tuyên bố bày tỏ sự thất vọng và lên án vụ tử hình ông Hussein.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cho rằng đây là công việc của Chính phủ Iraq và không ảnh hưởng tới Afghanistan. Ông nói: "Chúng tôi hy vọng nhân dân Iraq sẽ thịnh vượng, thành công và hạnh phúc".
Cùng ngày Pakistan gọi vụ hành quyết trên là một sự kiện "buồn" và bày tỏ hy vọng việc này sẽ không làm trầm trọng thêm tình hình an ninh tại Iraq.
Một lãnh đạo của Liên minh sáu đảng tôn giáo bảo thủ đối lập tại Pakistan nhận định vụ hành quyết này sẽ làm gia tăng lòng căm thù của người Hồi giáo đối với Mỹ.
Phong trào Hamas cầm quyền tại Palestine cho rằng vụ hành quyết ông Saddam là một vụ "ám sát chính trị" và vi phạm luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Brazil cho biết không tin vụ hành quyết này sẽ góp phần đem lại nền hòa bình cho Iraq.
Tại Hàn Quốc, nước đang có quân đồn trú tại Iraq, các nhà chức trách đã ra lệnh tăng cường an ninh tại tất cả các đại sứ quán nước ngoài đóng ở thủ đô do lo ngại xảy ra tấn công khủng bố nhân việc ông Saddam bị hành quyết.
Vài giờ sau khi bản án tử hình đối với Saddam Hussein được thực thi, Thủ tướng Angela Merkel (Đức) tuyên bố trên đài truyền hình: "Chính phủ Đức tôn trọng phán quyết của Tòa án, nhưng phản đối mạnh mẽ bản án tử hình đối với cựu Tổng thống Irắc Saddam Hussein".
Đồng thời bà Merkel kêu gọi cần phải có các vụ xử án đúng đắn ở Iraq và mong muốn nhân dân Iraq có thể "đi trên con đường hòa bình, không có bạo lực".
Trước đó, Bộ ngoại giao Đức cũng đã lên tiếng phản đối bản án tử hình đối với Saddam Hussein, song cũng nhấn mạnh để có một xã hội hòa giải dân tộc ở đất nước này, thì việc giải quyết những tội lỗi của Chính quyền Saddam Hussein là rất quan trọng.
Quốc vụ khanh Bộ ngoại giao Gernot Erler tuyên bố: "Chính phủ Đức không hoài nghi về những tội ác của Saddam, nhưng phản đối bản án tử hình, dù nó được thực thi ở bất cứ đâu".
Bản án tử hình đối với Saddam Hussein đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Đức. Đại diện các đảng phái thuộc Chính phủ cũng như đảng phái đối lập phát biểu trên truyền hình.
Họ đã kịch liệt phê phán bản án tử hình đối với Saddam Hussein rất lo ngại sẽ có nhiều thù hận, chao đảo và giết chóc xảy ra trong những ngày tới ở Iraq
* Theo TTXVN, trong tình hình đó, bạo lực tại Iraq vẫn có chiều hướng leo thang.
Vài giờ sau khi ông Hussein bị hành quyết, một ô tô cài bom đã phát nổ tại một khu chợ bán cá sầm uất ở thành phố Kufa cách thủ đô Bahda khoảng 170 km về phía Nam thuộc miền Trung Iraq, làm ít nhất 31 người thiệt mạng và 58 người bị thương, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Hiện vẫn chưa rõ vụ đánh bom có phải là hành động trả đũa đầu tiên của những người ủng hộ ông Hussein hay không.
Cùng ngày, lại có thêm 5 binh sỹ Mỹ bị tử nạn ở Iraq, đưa tổng số lính Mỹ bị chết ở nước này lên 106 và trở thành một trong những tháng có số binh sỹ Mỹ bị chết nhiều nhất kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống Iraq năm 2003.
* Về phiá gia đình cựu Tổng thống Saddam Hussein, theo nguồn tin thân cận với gia đình ông cho biết con gái của ông là Raqhd đã yêu cầu trả xác cha mình để chôn cất tại Yemen.
Bà Raqhd nói rằng gia đình muốn chôn cất ông tạm thời tại Yemen đến khi đất nước Iraq hoà bình và thống nhất mới đưa di hài ông trở về quê hương. Bà Raqhd hiện đang sống lưu vong tại Jordani.