Những rủi ro của sinh sản vô tính: Cái chết được báo trước của cừu Dolly
Cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên ra đời bằng phương pháp sinh sản vô tính đã chết hôm 14-2, “hưởng dương” 6 tuổi. Đây là cái chết đã được báo trước. Nó củng cố những mối lo ngại, theo đó sinh sản vô tính là một phương pháp đầy những bất trắc không lường, chưa nên áp dụng cho con người
Cừu Dolly chào đời ngày 5-7-1996 từ ba người mẹ: Một con cừu cái cung cấp DNA, một cừu cái khác cung cấp trứng để tiếp nhận DNA của cừu cái thứ nhất vào và cừu cái thứ ba mang nặng đẻ đau. Cừu cái thứ nhất khi cung cấp DNA đã 6 tuổi và đã chết trước đó từ lâu. Điều này có nghĩa là khi mới sinh ra, cừu Dolly có tuổi thật là 6 tuổi về mặt gien và trở thành bản sao của “mẹ” nó. Cộng với 6 tuổi đời kể từ ngày sinh ra, có thể nói tuổi thật của cừu Dolly là 12 tuổi, đạt tuổi thọ trung bình của loài cừu (từ 10 đến 16 tuổi).
Sự ra đời của cừu Dolly là một sự kiện lịch sử, chính thức công bố ngày 27-2-1997. Nó nổi tiếng khắp thế giới và sức khỏe của nó được theo dõi sát sao. Rất dễ hiểu, các nhà khoa học, thông qua cừu Dolly, muốn tìm hiểu xem phương pháp sinh sản vô tính (SSVT) có an toàn chưa, có thể áp dụng cho con người hay không. Trước khi Dolly ra đời, nhiều người tin rằng áp dụng phương pháp SSVT ở động vật có vú là không thể làm được. Vì vậy, theo tiến sĩ Randing Prather, một chuyên gia về SSVT, sự ra đời của Dolly đã “phá vỡ một lý thuyết trong khoa học”.
“Cha đẻ” cừu Dolly là giáo sư - tiến sĩ Ian Wilmut thuộc Viện Roslin ở Edinburg, Scotland. Nhóm nghiên cứu của ông đã thử nghiệm hàng trăm trường hợp nhân bản cừu bằng phương pháp SSVT. Tất cả đều thất bại trước khi Dolly chào đời, một thành công vang dội. Ngoài cừu, người ta đã nhân bản các loại gia súc khác như bò, dê, chuột và mèo. Đa số chết từ khi còn trong trứng, ngay sau khi ra đời hoặc sau khi sinh mắc nhiều bệnh bẩm sinh. Cừu Dolly được xem là một thành công vượt sự tưởng tượng nhưng cũng sớm bộc lộ nhiều bệnh tật hiếm thấy ở những con cừu cùng lứa tuổi.
10 tháng đầu tiên, cừu Dolly được cho sống chung với hai con cừu bình thường. Nó tỏ ra hung hăng giành hết thức ăn trong chuồng và trở nên béo phì. Thấy khó sống chung với đồng loại, Dolly được nuôi trong chuồng riêng. Sức khỏe nó được xem là bình thường khi phối giống với một con cừu đực, nó sinh ra một con cừu cái vào tháng 4-1998 mang tên Bonnie và 3 con cừu đực khác vào năm 1999. Nhưng cũng từ năm này, các nhà khoa học phát hiện các tế bào của Dolly bắt đầu suy thoái nhanh, triệu chứng của một con vật có tuổi. Hiện tượng già trước tuổi này là một báo động đáng lo. Cách đây hơn một năm, ngoài chứng béo phì, Dolly mắc bệnh viêm khớp ở háng và đầu gối bên trái. Và mới đây, người ta lại phát hiện Dolly mắc bệnh phổi và nhiều chứng bệnh khác liên quan đến tuổi tác. Thấy không thể kéo dài sự sống của Dolly, giáo sư Wilmut đã quyết định tiêm thuốc cho Dolly chết một cách êm ái vào chiều 14-2. Cũng như khi sinh ra, Dolly chết yểu lúc mới 6 tuổi đã gây chấn động toàn cầu.
Xuân Việt
Kỳ tới: Những hiểm họa từ sinh sản vô tính