Ông Gaddafi chiếm lại 2 thành phố

(NLĐO)- Lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi, đã giành lại được ít nhất hai thành phố, một ở miền đông và một ở miền tây, đồng thời đe dọa tới thành phố thứ ba.

Lực lượng trung thành của ông Gaddafi tấn công phe biểu tình có vũ trang hôm 1-3 nhằm giành lại quyền kiểm soát các thành phố lân cận thủ đô Tripoli để củng cố chiếc ghế quyền lực của mình.
 
Những cuộc đụng độ ngày càng gia tăng đang đe dọa biến cuộc biểu tình nhiều ngày qua tại Libya thành một cuộc nội chiến kéo dài. 
img
Lực lượng chống đối treo cờ Libya chế độ cũ. (Ảnh: AP)

Lực lượng trung thành của ông Gaddafi đã giành lại được ít nhất hai thành phố Gharyan và Nafusa, một địa điểm thuận lợi nhìn thẳng xuống thủ đô. Một người dân tại đây cho biết rằng họ rất sợ khả năng bị chính phủ Gaddafi trả thù.
 
Trong khi đó, phe biểu tình đã đẩy lùi được các cuộc tấn công vào ba thành phố then chốt khác, bao gồm thành phố Misrata ở phía đông, Zawiya ở phía tây và thành phố miền núi Zintan nằm phía nam thủ đô.

img
Phố núi chiến lược Gharyan đã về tay ông Gaddafi

Trước tình trạng căng thẳng gia tăng tại Libya, cộng đồng quốc tế đã có nhiều động thái nhằm cô lập vị lãnh đạo “dai dẳng” Gaddafi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho hay ông đã yêu cầu hai chiến hạm vào Địa Trung Hải, trong đó có tàu tấn công đổ bộ nổi tiếng USS Kearsarge kèm theo 400 lính thủy đánh bộ.

Song song đó, Liên minh Châu Âu và Mỹ xúc tiến thiết lập một vùng cấm bay tại Libya – một chiến lược đã được họ sử dụng thành công tại miền bắc Iraq và Bosnia.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gọi sự can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây là không cần thiết vào thời điểm này, mà thay vào đó nên áp dụng triệt để các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã chấp thuận cuối tuần qua.
img
 
Đại sứ Mỹ tại LHQ kêu gọi trục xuất ông Gaddafi

Trong khi đó, bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc kêu gọi xem xét trục xuất ông Gaddafi và bày tỏ lo ngại quốc gia Châu Phi này có nguy cơ trượt vào một “thảm họa nhân đạo”. Bà Rice nói trên CBS rằng: “Điều bức thiết nhất hiện nay là ông Gaddafi phải ra khỏi chính trường”.

Đáp lại, con trai ông Gaddafi, Seif al-Islam lên tiếng cảnh báo phương Tây không nên có các hành động quân sự chống lại Libya và tuyên bố lực lượng của họ đã chuẩn bị sẵn sàng để chống lại bất kỳ can thiệp ngoại bang nào.

img

img

img
Lực lượng nổi dậy chiếm đóng thành phố Zawiyah

Có hơn 140.000 người Libya đã tràn sang Tunisia và Ai Cập lánh nạn, khiến biên giới Libya - Tunisia đang trong tình trạng "khủng hoảng", theo lời các viên chức di tản.
 
Hàng ngàn người Việt Nam và Bangladesh ở khu vực biên giới Libya giáp với Tunisia đang trong tình trạng “thiếu thực phẩm, nước uống và nơi trú thân nghiêm trọng”, phát ngôn viên Tổ chức Di dân Quốc tế Jemini Pandya cho hay. Cùng chung số phận là những lao động người Nepal, Ghana và Nigeria.
 
img
Dù bị cô lập, ông Gaddafi vẫn kiên quyết không từ chức

Tổ chức di dân quốc tế (IOM) cho biết tại Libya có khoảng 1,5 triệu người lao động, hoặc nhập cư trái phép, gốc châu Phi hay châu Á. Theo ước lượng của Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR), cho đến nay đã có 110.000 người chạy khỏi Libya, và hàng giờ lại có thêm hàng ngàn người sơ tán.
 
IOM từ hôm 1-3 đã bắt đầu giúp sơ tán hàng ngàn người, trong đó có 600 người Việt Nam, và mở thêm hai trại trung chuyển mới. Ước tính, hiện còn khoảng 2.000 người lao động Việt Nam đang còn kẹt lại ở Libya, tập trung tại Benghazi và một số thành phố phía đông Libya.