Ông Strauss-Kahn chính thức “buông” IMF

(NLĐO)- Cuối ngày 18-5 (giờ địa phương), ông Dominique Strauss-Kahn đã chính thức từ chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF). Tuy nhiên, trong lá thư gửi tổ chức này, ông vẫn khẳng định: “Tôi phủ nhận mọi cáo buộc nhắm vào tôi”.

Trong ngày 19-5, ông Strauss-Kahn sẽ tiếp tục nỗ lực để được tại ngoại. Trước đó, ngày 18-5, nhóm luật sư bào chữa của ông lần thứ hai nộp đơn xin tại ngoại cho thân chủ bằng khoản tiền 1 triệu USD.

Theo lá thư, quyết định từ chức của ông Strauss-Kahn có hiệu lực ngay lập tức. “Tôi muốn bảo vệ tổ chức mà tôi đã làm việc bằng danh dự và sự cống hiến. Và trên hết, tôi muốn tận dụng mọi sức lực, thời gian, tâm huyết để chứng minh sự vô tội của bản thân” – lá thư viết.
 
Sau khi công bố lá thư trên, IMF cho biết sẽ nhanh chóng liên lạc với ban lãnh đạo IMF để chọn ra một tổng giám đốc mới. Hiện thời, ông John Lipsky vẫn làm quyền tổng giám đốc IMF.
 
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu bắt đầu cuộc đua vào chiếc ghế tổng giám đốc IMF. Một trong những ứng cử viên sáng giá là bà Christine Lagarde, 55 tuổi, Bộ trưởng Kinh tế, tài chính và Công nghiệp Pháp. Nếu được thay thế đồng hương, bà sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo IMF.
 
img
Ông Strauss-Kahn xuống sắc tại phiên tòa ở Manhattan (New York, Mỹ). Ảnh: AP
 
Bà Lagarde nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đức - Anh, kể từ ngày ông Strauss-Kahn bị bắt khẩn cấp trên chuyến bay rời New York với hy vọng quá trình chuyển giao tại IMF sẽ diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, tại quê hương, nhiều chính trị gia cho rằng Pháp chưa sẵn sàng hậu thuẫn cho bà bước lên vị trí này.
 
Một cái tên khác được nhắc tới là Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet, được Ngân gàng trung ương Hà Lan Nout Wellink tiến cử ngày 18-5.
 
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính nước này Tim Geithner đã lên tiếng đề nghị IMF chính thức phê chuẩn quyền tổng giám đốc John Lipsky lên thay ông Strauss-Kahn vào ngày 18-5. Tuy nhiên, ban lãnh đạo gồm 24 người của IMF vẫn giữ thái độ im lặng trước lời kêu gọi này.
 
Nhiều nước châu Âu lập luận người đứng đầu IMF luôn là người châu lục này nhờ vào một thỏa thuận lâu đời với Mỹ. Với tình hình khủng hoảng hiện nay tại châu Âu, họ cho rằng đây không phải là lúc để một người ngoài châu lục lãnh đạo IMF.
 
img
Bà Lagarde và ông Strauss-Kahn trong hội nghị thương mại Châu Âu - Trung Quốc tháng 6-2010.
Cả hai đều theo đuổi các nguyên tắc thị trường tự do. Ảnh: AP
 
Cách để cản đường bà Lagarde, theo một cựu quan chức Mỹ, là các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) nhanh chóng đưa ra một ứng cử viên. Thế nhưng, mới đây Trung Quốc tỏ vẻ không hào hứng lắm.
 
"Tôi không cho rằng BRICS sẽ nhóm họp để tìm ứng cử viên. Có thể một nước tự tiến cử ứng cử viên và tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước còn lại” – Giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh phân tích.
 
Theo luật của IMF, ban lãnh đạo có quyền cách chức tổng giám đốc vì bất cứ lý do gì. Dù bị cách chức hay từ chức, người đứng đầu IMF vẫn được thanh toán hợp đồng bằng khoản tiền tương đương 60% lương một năm.
 
Ông Strauss-Kahn bắt đầu làm tổng giám đốc IMF từ tháng 11-2007. Trong tài khóa 2010, ông nhận mức lương chưa tính thuế là 441.980USD cộng khoản phụ cấp 79.120 USD.