Pháp bác bỏ hiến pháp Châu Âu

Sáng ngày 30-5, Bộ Nội vụ Pháp đã công bố kết quả cuối cùng cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức tại Pháp ngày 29-5, theo đó, khoảng 54,8% cử tri Pháp đã bỏ phiếu bác bỏ Hiến pháp EU trong khi 45,13% cử tri ủng hộ văn kiện quan trọng này.

Khoảng 75% trong tổng số hơn 42 triệu cử tri Pháp đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý lần này, tăng nhiều so với các cuộc bầu cử của EU và các cuộc bầu cử cấp vùng ở Pháp năm 2004, và là một trong những cuộc bỏ phiếu có số cử tri tham gia đông nhất trong vòng 10 năm qua ở Pháp.

Ngay sau khi đa số cử tri Pháp bác bỏ Hiến pháp châu Âu, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Pháp Thierry Breton cho rằng nước Pháp đang "đứng giữa ngã ba đường" và cần phải nỗ lực gấp đôi để thu hút các nhà đầu tư, bảo vệ tính năng động của đất nước và duy trì sự liên kết. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Michel Barnier  coi việc người dân Pháp bác bỏ văn kiện quan trọng này là một thử thách đối với nước Pháp và là một thất vọng thực sự. Cũng như vậy, các nhà quan sát coi đây là một chấn động chính trị mới ở Pháp, là một thất bại nặng nề đối với các nước EU và đe dọa làm suy yếu vị thế của Pháp trong tổ chức gồm 25 thành viên, làm trì hoãn quá trình liên kết châu Âu và làm các thị trường tài chính chao đảo. Kết quả trên có thể đẩy nước này vào việc phải tiến hành cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trước thời hạn và đây cũng là một bất lợi lớn đối với Tổng thống Pháp Jacques Chirac, khiến uy tín của ông có thể bị suy giảm cả ở trong và ngoài nước.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michel Alliot Marie tuyên bố rằng thắng lợi của những người nói "không" đối với bản Hiến pháp EU là thất baị đối với EU nói chung và nước Pháp nói riêng, có thể dập tắt những tham vọng hàng thập kỷ qua nhằm hợp nhất 25 quốc gia châu Âu. Các chính khách tán thành Hiến pháp EU cho rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý là một tin xấu và là thất bại nặng nề đối với EU và dự đoán nước Pháp sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng về bản sắc.

Phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia Tổng thống Jacques Chirac khẳng định nước Pháp sẽ tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu trong EU mặc dù tiếng "không" giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông tiết lộ sắp có một số quyết định liên quan đến chính phủ Pháp trong những ngày tới.

Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Josep Borrell Fontelles đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước thành viên EU tiếp tục tiến trình phê chuẩn Hiến pháp EU bất chấp kết quả "tiêu cực" của cuộc trưng cầu ý dân tại Pháp. Ông Barroso nêu rõ châu Âu đang trải qua thời khắc khó khăn nhất, song ban lãnh đạo Ủy ban châu Âu tin tưởng rằng châu lục này sẽ lại vượt qua những thách thức này, hy vọng ở sự quyết tâm, nhận thức về tương lai và khả năng vượt qua khó khăn của những người đứng đầu các nước thành viên EU. Ông cho biết mọi hậu quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Pháp cần được những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước EU nghiên cứu tại cuộc gặp cấp cao ngày 16 và 17-6 tới. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jack Straw nêu rõ việc Pháp bác bỏ Hiến pháp EU đang đặt vấn đề đối với tương lai của EU, và cho rằng EU cần có thời gian để suy tính. Thủ tướng Đức Gerhard Schroder coi kết quả trưng cầu Hiến pháp EU ở Pháp là một "đòn nghiêm trọng" đối với quá trình thông qua Hiến pháp EU, song khẳng định điều này chưa thể đặt dấu chấm hết cho quá trình thông qua văn kiện quan trọng này.

Như vậy, là một trong những nước sáng lập EU, Pháp là nước đầu tiên trong EU bác bỏ công ước hiến pháp này. Những người phản đối cho rằng bản Hiến pháp EU mới sẽ làm ảnh hưởng tới sự độc lập của đất nước và gây nên một làn sóng lao động "giá rẻ" tràn vào các nước có nền kinh tế phát triển tại châu Âu như Pháp và Đức, nơi đang có tỉ lệ thất nghiệp ở mức 2 con số. Phía cánh tả tại Pháp còn cho rằng việc thông qua Hiến pháp EU mới sẽ không thể giúp bảo vệ chế độ xã hội tốt đẹp như hiện nay tại Pháp cũng như đảm bảo các dịch vụ công cộng, mà mở cửa đối với chủ nghĩa tư bản và chà đạp lên quyền lợi người lao động. Họ khẳng định một sự đồng ý sẽ không đủ để giúp EU dân chủ hơn, bao gồm cả việc trao thêm những quyền lực cho Nghị viện châu Âu. Các chính khách phản đối Hiến pháp EU bày tỏ niềm tự hào đối với quyết định của cử tri Pháp, cho rằng kết quả nói trên thể hiện quyền tối cao về chủ quyền của người dân.

Trong khi đó, những người ủng hộ tin rằng bản Hiến pháp EU mới sẽ giúp "một châu Âu" trở nên hiệu quả và có quyền lực hơn với một khu vực thống nhất có 450 triệu dân, và sẽ giúp các nhà lãnh đạo tại các nước châu Âu có chung một tiếng nói trên trường quốc tế.

Các chuyên gia nhận định Pháp sẽ không bỏ phiếu một lần nữa về bản Hiến pháp, như Ireland đã làm với Hiệp ước Nice khi phê chuẩn được nó trong lần trưng cầu ý dân lần thứ 2. Nhiều khả năng các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm cách cứu vãn một vài điều khoản quan trọng của Hiến pháp bằng cách khác như áp dụng thoả thuận giữa các nguyên thủ quốc gia thành viên EU, hoặc tách một số điều nêu trong Hiến pháp và gộp chúng vào trong những hiệp ước sẵn có, mặc dù những thay đổi trong các hiệp ước này sẽ cần phải đưa ra trưng cầu dân ý tại một số nước, như Đan Mạch và Ireland. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu EU có thể tồn tại mà không có Hiến pháp? Lẽ dĩ nhiên, EU vẫn tiếp tục hoạt động dựa trên các quy định hiện tại. Song nhiều chuyên gia cho rằng thất bại của Hiến pháp sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong liên minh, khiến nó bị chia rẽ và trải qua một giai đoạn trì trệ, có thể trì hoãn kế hoạch mở rộng EU.

Theo các kết quả thăm dò, cử tri Hà Lan cũng sẽ nói "không" với Hiến pháp EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-6 tới. Tuy nhiên, không như Pháp, Hà Lan nhiều khả năng sẽ tiến hành bỏ phiếu lại. Ngày 29-5, Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende đã kêu gọi cử tri nước ông bỏ phiếu tán thành bản Hiến pháp EU. Các nhà bình luận cho rằng việc Pháp bác bỏ Hiến pháp EU sẽ đặt Chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair vào tình thế hết sức khó khăn khi nước này dự định tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về văn kiện này vào năm 2006. Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasnewski đã bày tỏ nỗi thất vọng về kết quả trưng cầu ý dân ở Pháp và khẳng định điều này không cản trở tiến trình liên kết châu Âu.

Hiến pháp EU được hoàn tất hồi tháng 6-2004, song để có hiệu lực, dự kiến vào cuối năm 2006, văn kiện này cần được tất cả 25 nước thành viên EU thông qua. Đến nay đã có 9 nước phê chuẩn Hiến pháp là Áo, Hungaria, Ý, Đức, Hy Lạp, Litva, Slovaquia, Slovania và Tây Ban Nha. Theo thỏa thuận đạt đựơc giữa các nước EU, trong trường hợp văn kiện này bị một hay một số nước bác bỏ, EU sẽ triệu tập một hội nghị cấp cao đặc biệt để thông qua quyết định về những hành động tiếp theo.