Phe đối lập Syria nghi ngờ khả năng nối lại hòa đàm

(NLĐO) – Phiến quân Syria hôm 2-3 cho biết họ bị quân chính phủ tấn công dữ dội gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp thỏa thuận ngừng bắn tạm thời.

Ông George Sabra, đại diện phe đối lập, cũng hoài nghi liệu các cuộc hòa đàm được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn có diễn ra vào ngày 9-3 tới như kế hoạch hay không.

Theo ông này, ngày giờ nối lại đàm phán vẫn chỉ là “giả thuyết” nếu các yêu cầu nhân đạo không được đáp ứng, trong đó việc các tù nhân được trả tự do. “Giá trị của thỏa thuận ngừng bắn là gì nếu những bên giám sát - có nghĩa là Mỹ và Nga – không khiến tất cả các bên phải tuân theo?” - ông Sabra nói với kênh tin tức tiếng Ả Rập al-Arabiya Hadath hôm 2-3.

 

Nhà Trắng cho biết các cuộc không kích nhắm vào phe đối lập và dân thường ở Syria giảm đáng kể trong những ngày gần đây. Ảnh: REUTERS

Nhà Trắng cho biết các cuộc không kích nhắm vào phe đối lập và dân thường ở Syria giảm đáng kể trong những ngày gần đây. Ảnh: REUTERS

 

Trước đó, Liên Hiệp Quốc ấn định thời điểm nối lại hòa đàm nói trên, đồng thời thúc giục các bên ngừng bắn để cho phép đàm phán diễn ra. Phe đối lập Syria và quân đội chính phủ đã cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27-2.

Phía chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cam kết sẽ thực thi phần trách nhiệm của mình nhằm bảo đảm thành công của thỏa thuận ngừng bắn đang được thực thi 4 ngày qua. Tuy nhiên, ông Assad nhấn mạnh mọi thứ đều có giới hạn và tùy thuộc vào phía bên kia. Chính quyền Syria sẽ trả tự do cho các tay súng đối lập nếu họ chấp nhận giải giáp vũ khí.

Nhà Trắng cho biết họ nhận thấy các cuộc không kích chống lại phe đối lập và dân thường ở Syria giảm đáng kể trong những ngày gần đây, dù vẫn có báo cáo về một số cuộc tấn công của xe tăng và pháo binh. Ngoài ra, Washington đang điều tra thông tin Israel tố chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường vài ngày qua.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington đã làm việc với Moscow để cải thiện khả năng tiếp cận khu vực bị bao vây, trong lúc Tổ chức Y tế Thế giới đưa thuốc men đến thị trấn Mouadamiya đang bị vây khốn.

Cũng trong ngày 2-3, 18 người thiệt mạng trong một vụ đánh bom bằng xe hơi nhằm vào lực lượng nổi dậy ở tỉnh Quneitra của Syria. Cuộc tấn công có thể do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện.