Phép thử mong manh
Thỏa thuận ngừng bắn trong 4 ngày (từ 26 đến 29-10) giữa quân đội Syria và các lực lượng đối lập trong dịp lễ thánh Eid Al-Adha linh thiêng của người Hồi giáo, do đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi đề xuất, đã mang lại niềm hy vọng hòa bình không chỉ của nhân dân Syria mà cả nhiều nước Trung Đông.
Theo đánh giá của đặc phái viên Brahimi thông qua kênh truyền hình nhà nước Syria, “nếu sáng kiến ngừng bắn thành công sẽ mở đường cho việc thực thi các biện pháp khác và rất có thể một lệnh ngừng bắn quy mô lớn hơn sẽ được triển khai trong khuôn khổ một tiến trình chính trị đầy đủ và toàn diện”.
Giới quan sát cho rằng một lệnh ngừng bắn tại Syria được thực hiện vào thời điểm này là một bước đột phá đầy ý nghĩa trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột trong 19 tháng đã làm thiệt mạng 34.000 người dân vô tội! Hội đồng Bảo an LHQ đã ra tuyên bố ủng hộ việc ngừng bắn tại Syria, coi thỏa thuận ngừng bắn là “rất quan trọng và kịp thời” và không quên kêu gọi hai bên liên quan tại Syria thực hiện nghiêm túc và triệt để.

Tìm kiếm nạn nhân trong tòa nhà bị máy bay quân chính phủ không kích ở Erbeen, gần Damascus ngày 27-10.
Ảnh: Reuters
Các đại sứ Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức tại LHQ tuyên bố ủng hộ sáng kiến của đặc phái viên LHQ Brahimi, hy vọng thỏa thuận ngừng bắn mở ra triển vọng chấm dứt bạo lực đổ máu, lập lại hòa bình ở Syria, góp phần duy trì sự ổn định ở Trung Đông.
Hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn, Cơ quan Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) tuyên bố đã sẵn sàng gửi hàng cứu trợ khẩn cấp cho người dân Syria, trước mắt là cung cấp khoảng 550 tấn nhu yếu phẩm cho 13.000 hộ gia đình gồm 65.000 người ở một số khu vực trước đây không thể tiếp cận do có xung đột.
Dù được dư luận hoan nghênh nhưng giới quan sát cảnh báo thỏa thuận ngừng bắn đã “tạo kẽ hở” khi quân đội Syria và phe đối lập đều tuyên bố vẫn có quyền phản kích nếu bị tấn công. Đúng như lời cảnh báo, ngay trong ngày 26-10 giao tranh giữa quân đội Syria với lực lượng Syria tự do (FSA) của phe đối lập đã bùng phát tại một số khu vực chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực trong ngày đầu tiên.
Không phải ngẫu nhiên mà giới quan sát nhận xét bi quan rằng thỏa thuận ngừng bắn tại Syria là “phép thử mong manh”, vì đài truyền hình quốc gia Syria khẳng định “các nhóm khủng bố có vũ trang” đã cố tình vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, tấn công căn cứ quân sự của chính phủ ở một số tỉnh miền Nam, miền Trung và cả ngoại ô thủ đô Damascus.
Nguy cơ xung đột vũ trang bùng nổ trở lại tại Syria đang gây lo lắng cho Hội đồng Bảo an LHQ vì đặc phái viên Brahimi đã cam kết bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đạt kết quả tích cực. Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu “vết dầu loang” xung đột tại Syria có lan ra các nước láng giềng hay không.
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh (IISS), hiện đang tiềm ẩn nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ có chung 900 km biên giới với Syria có thể bị kéo vào cuộc xung đột vũ trang nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã từng công khai kêu gọi Tổng thống Assad từ chức mới có thể bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.