Picasso: Cái giá của một thiên tài
Gia tài của nhà danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso là vô giá. Kể từ ngày ông qua đời, người thừa hưởng gia tài của ông là cô cháu nội Marina Picasso. Những tưởng Marina sẽ sống sung sướng trên đống vàng nhưng thực tế không được như thế. Marina, năm nay 57 tuổi, tâm sự: “Ông tôi là một thiên tài, nhưng vì thế mà dòng họ Picasso phải trả một cái giá quá đắt – cái giá của một thiên tài”
Ngày 8-4-1973, họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XX Pablo Picasso qua đời ở tuổi 92, để lại một gia tài khổng lồ các tác phẩm nghệ thuật và tài sản vật chất. Phải mất 5 năm người ta mới kiểm kê xong số tác phẩm của ông, gồm khoảng 37.000 bức, trong đó có 1.885 tranh sơn dầu, 7.089 ký họa, 20.000 tranh khắc..., tất cả đều là đối tượng săn mua của các tay sưu tầm tranh. Rất khó có thể tính thành tiền bộ tranh của Picasso, vì giá trị của chúng tùy thuộc kết quả bán đấu giá.
Vấn đề ai sẽ được thừa kế gia tài đó từng làm dư luận thế giới bàn bạc ầm ĩ, vì Picasso có khá nhiều con cháu. Cuối cùng cô cháu nội của ông là Marina Picasso cùng với mấy người con chính thức của Picasso được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ này. Nói là nghĩa vụ, vì việc quản lý và bảo vệ tài sản nghệ thuật của Picasso rất khó khăn, phức tạp.
Con người lập dị
Picasso là một nhân vật gây nhiều tranh cãi do tính tình lập dị, chỉ biết một mình mê mải sáng tác mà không quan tâm đến ai. Năm 1944, ông xin vào Đảng Cộng sản Pháp, được hưởng rất nhiều ưu đãi trong đảng khiến nhiều đảng viên bất mãn.
Đảng giao cho ông nhiệm vụ vẽ chân dung Stalin, ông đều tìm mọi cách từ chối. Khi Stalin từ trần, đảng cần một bức tranh lãnh tụ, ông không có cớ từ chối nữa, nhưng lại vẽ một bức chân dung Stalin bị nhiều người cho là bôi bác, phỉ báng lãnh tụ. Song chẳng ai dám kỷ luật ông vì Picasso quá nổi tiếng; vả lại đã nhiều lần ông dùng tiền bán tranh để gây quỹ cho đảng.
Suốt đời ông chưa bao giờ xa rời đàn bà, nhưng không phải với một người. Ông có quan hệ rất phức tạp và khó hiểu đối với phái đẹp, coi vợ hoặc nhân tình như công cụ phục vụ việc sáng tác. Xung quanh mối quan hệ này có nhiều chuyện rắc rối.
Picasso có hai bà vợ chính thức, ngoài ra còn có khá nhiều tình nhân và con rơi. Năm 1918, ông cưới bà Olga Khokhlova, một vũ công ba-lê người Nga sống tại Paris - thủ đô nước Pháp. Hai người có với nhau một con trai tên là Paulo. Sau khi bà Olga qua đời ít lâu, năm 1961, Picasso cưới bà Jacqueline Roque, nhưng bà này không có con. Như vậy Picasso chỉ có hai cháu nội là Pablito (trai) và Marina (gái), đều là con của Paulo.
Những tai họa
Picasso từ trần được ít lâu thì tai họa giáng xuống gia tộc này: Đầu tiên đứa cháu nội đích tôn Pablito uống thuốc nhuộm tóc tự vẫn. Tiếp đó con trai Paulo ốm chết. Một người tình của Picasso là bà Marie Therèse Walter treo cổ tự tử. Sau đấy bà Jacqueline Roque cũng tự vẫn nhưng không chết. Gia tộc Picasso chính thức chỉ còn lại Marina, tuy thực ra Picasso vẫn còn ba người con nữa với hai nhân tình đã biết tên tuổi và một lô cháu nội, cháu ngoại nhưng đều không chính thức.
Tuy con người ông vĩ đại và giàu có, nhưng cuộc đời của các cháu không vì thế mà sung sướng. Cha mẹ Marina ly dị nhau từ khi Marina còn nhỏ, hai anh em ở với mẹ. Ba mẹ con sống rất tằn tiện. Marina kể: “Nói thật là tôi ít biết về ông mình, vì chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Ông tôi suốt ngày mải mê vẽ tranh, không cho ai được quấy rầy mình, kể cả vợ con và lũ cháu”.
Picasso chỉ giúp cháu gái khoản học phí học trung học. Khi Marina xin vào đại học y khoa thì ông không giúp nữa. Cô đành đi làm tại một trung tâm điều trị bệnh tâm lý. Đúng lúc ấy thì ông nội rồi đến anh và cha lần lượt qua đời.
Marina tâm sự: “Ngày ấy tôi bỗng dưng được thừa kế gia tài khổng lồ của ông nội mình, nhưng người thân của tôi đều lần lượt qua đời. Điều đó làm tôi vô cùng đau khổ. Một thời gian khá dài tôi không dám nghĩ đến kho tác phẩm ông tôi để lại”.
Marina yêu trẻ em Việt Nam
Thực ra ở Việt Nam thủ tục cũng chẳng kém rắc rối, nhưng vì người Việt Nam quá hâm mộ Picasso, hơn nữa ông lại là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, cho nên Marina Picasso gặp nhiều thuận lợi. Vì thế khi năm 1990 Marina đến TPHCM xin nhận nuôi một bé trai 4 tháng tuổi, bà nhanh chóng được toại nguyện. Sau đó bà lại xin nhận nuôi thêm hai em nữa. Thông cảm với tình hình nơi này có nhiều trẻ mồ côi sau chiến tranh, bà thành lập “Quỹ Marina Picasso” và mở một trại trẻ mồ côi tại TPHCM. Trại này nuôi 300 trẻ; chia làm nhiều “gia đình”, mỗi gia đình có 11 trẻ, do một bảo mẫu chăm sóc. Trong trại có trường học, phòng thể thao, phòng dạy nhạc, bể bơi. Ngoài ra, bà còn cung cấp miễn phí sữa bò cho một số bệnh viện, trại trẻ mồ côi và giúp tiền mua thiết bị y tế cho một bệnh viện tâm thần. Hiện nay Marina sống cùng 5 con đẻ và con nuôi của mình tại biệt thự sang trọng có tên La Californie ở thành phố Cannes (Pháp), do ông nội để lại. Bà thường xuyên sang Việt Nam thăm trại trẻ mồ côi của mình. “Tôi đã hoàn toàn thoát khỏi bóng đen của quá khứ đau khổ. Nhìn thấy các con nuôi của mình ngày một khôn lớn, tôi rất mừng. Chúng đều là chắt của Picasso cả đấy!”. Trả lời câu hỏi của các nhà báo tại sao các nước khác cũng có nhiều trẻ mồ côi mà bà lại chỉ giúp có mỗi Việt Nam thôi, Marina nói: “Khả năng của chúng tôi có hạn, không thể cùng lúc giúp nhiều nơi. Tôi có cảm tình đặc biệt với Việt Nam. Hơn nữa, riêng tôi đã có ba con nuôi là người Việt Nam kia mà!”. |