Quân đội Thái Lan ủng hộ bầu cử

(NLĐO) - Quân đội Thái Lan tuyên bố ủng hộ và sẽ giúp tổ chức một cuộc bầu cử “công bằng và minh bạch” vào ngày 2-2-2014. Điều này cho thấy các lực lượng vũ trang có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chấm dứt làn sóng biểu tình lật đổ chính phủ đang diễn ra.

Phát biểu trên được Tướng Nipat thonglek - Thư ký thường trực Bộ Quốc phòng trình bày tại diễn đàn về tương lai Thái Lan tổ chức vào ngày 15-12.
 
Ông Nipat Thonglek cho biết quân đội sẽ huy động lực lượng để giữ gìn an ninh, đồng thời kêu gọi  việc tìm kiếm biện pháp để xây dựng lòng tin cho người dân cũng như các đảng phái. “Nếu cần thiết, quân đội sẽ vào cuộc để cuộc tổng tuyển cử này được tổ chức minh bạch và công bằng” – ông Nipat Thonglek nói. Tuy nhiên, quân đội không nói rõ cách thức thực hiện điều đó.
img
Đại diện nhiều chính đảng, các tổ chức xã hội, quân đội và các học giả tự do tham dự hội thảo hôm 15-12. Ảnh: THE BANGKOK POST

Trước đó, tại cuộc hội thảo ngày 14-12 do quân đội Thái Lan tổ chức với sự có mặt của thủ lĩnh cuộc biểu tình Suthep Thausuban, tư lệnh tối cao quân đội Tanasak Patimapragorn cho biết quân đội tôn trọng và hoạt động nhằm bảo vệ “luật pháp” được hiểu như là việc bảo vệ hiến pháp hiện hành và quân đội không thực hiện đảo chính. Vị quan chức quân đội này lập luận cần phải thiết lập một ủy ban để giúp giáo dục công chúng về bầu cử tự do và công bằng.

Theo nguồn tin quân đội, lãnh đạo cuộc biểu tình Suthep nhận được sự hậu thuẫn của hai vị tướng đã nghỉ hưu khá có thế lực là cựu bộ trưởng quốc phòng Prawit Wongsuwan và cựu tư lệnh lục quân Anupong Paochinda. Tối 15-12, lãnh đạo biểu tình Suthep cáo buộc tướng Nipat “bóp méo” lập trường của quân đội. Ông Suthep tuyên bố rằng trong cuộc gặp trước đó quân đội không hề tỏ ý ủng hộ cuộc bầu cử vào năm tới. “Tuyên bố của tướng Nipat không làm tôi ngạc nhiên bởi vì ông là người của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra” – ông nói.
 
Tại hội thảo ngày 15-12, một số ít ý kiến lo ngại về việc tổ chức tổng tuyển cử không minh bạch có thể dẫn đến kết quả không được các bên chấp thuận. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần hoãn cuộc bầu cử để ngăn chặn các cuộc xung đột tiếp tục.