Quan hệ Ấn Độ - Pakistan nóng lên
Mũi dùi chỉ sang Pakistan. Quan hệ hai nước láng giềng sở hữu hạt nhân bỗng chốc nóng rực
Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã quyết định hoãn chuyến thăm Hong Kong để giải quyết khủng hoảng trong quan hệ với Ấn Độ sau vụ tấn công Mumbai. Ông triệu tập hội nghị an ninh quốc gia vào ngày 2-12 để đánh giá tình hình và bàn chiến lược đối phó do căng thẳng trong quan hệ với Ấn Độ.
Cáo buộc từ Ấn Độ
Thủ hiến bang Maharashtra (Ấn Độ) Vilasrao Deshmukh hôm qua đã quyết định từ chức vì vụ tấn công vào Mumbai (thủ phủ bang Maharashtra). Vilasrao Deshmukh - một thành viên của Đảng Quốc đại đương quyền - cho biết đã đệ đơn và đang chờ quyết định của các lãnh đạo đảng. Hôm qua, theo AP, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức công bố số nạn nhân sau khi đưa xong thi thể nạn nhân ra khỏi khách sạn Taj Mahal: 172 người chết và 239 người bị thương. Trong số người chết có 23 nạn nhân là người nước ngoài. |
Theo AFP, các căng thẳng mới xuất hiện do những cáo buộc của Ấn Độ về trách nhiệm liên đới của Islamabad trong loạt vụ tấn công khủng bố tuần trước. Ngày 1-12, Thứ trưởng Nội vụ Ấn Độ Shakeel Ahmad nói tất cả mười phần tử khủng bố trong vụ tấn công đều đến từ Pakistan, là người gốc Pakistan.
Ông cho biết tay súng duy nhất bị bắt đã khai toàn bộ nhóm khủng bố trên đều mang quốc tịch Pakistan. “Chúng tôi không nói những kẻ khủng bố này được Islamabad tài trợ, nhưng Pakistan đã được sử dụng cho các hoạt động chống Ấn Độ” - ông nhấn mạnh.
Các quan chức an ninh Ấn Độ cho rằng Lashkar-e-Taiba, nhóm vũ trang có trụ sở tại Pakistan và hoạt động chống chính quyền Ấn Độ ở Kashmir, đã tiến hành loạt vụ tấn công khủng bố ở Mumbai. Có tin Chính phủ Ấn Độ đang xem xét khả năng ngừng tiến trình hòa bình với Pakistan vì Pakistan đã không giữ được cam kết trong việc ngăn chặn khủng bố nhằm vào Ấn Độ.
Theo Reuters, quan hệ hai nước càng thêm khó khăn sau khi Pakistan thay đổi ý định gửi người đứng đầu cơ quan tình báo Pakistan là tướng Ahmed Pasha bằng một cán bộ đại diện tới New Delhi để hỗ trợ cuộc điều tra.
Pakistan giận dữ
Phía Pakistan cũng tỏ phản ứng mạnh với các cáo buộc từ Ấn Độ. Báo Guardian ngày 1-12 cho biết tại một cuộc họp báo trong nước, giới chức tình báo cấp cao Pakistan đã khuyến cáo phương Tây rằng nước này sẽ chấm dứt các hoạt động quân sự chống các nhóm dân quân Hồi giáo dọc biên giới với Afghanistan nếu Ấn Độ triển khai quân đội trên biên giới phía đông của họ.
Các quan chức tình báo Pakistan dọa rút toàn bộ quân đội được cam kết dành cho “cuộc chiến chống khủng bố” trong trường hợp xảy ra “cuộc xung đột không mong muốn” với Ấn Độ. Hiện nay Pakistan có hơn 100.000 quân tham gia nhiều hoạt động ở các vùng bộ lạc bán tự trị, nơi các nhóm phiến quân liên quan đến Al Qaeda, các phần tử cực đoan địa phương và một bộ phận quan trọng của nhóm thủ lĩnh Taliban được cho là đang đồn trú. Các chiến dịch này chủ yếu do Mỹ tài trợ, được NATO đánh giá là sống còn để duy trì các tuyến đường hậu cần cho quân NATO ở Afghanistan và mặt khác, để ngăn chặn chuyển động của các nhóm Hồi giáo cực đoan vùng biên giới.
Trong khi đó, theo CS Monitor, giới chức Ấn Độ đang bị áp lực phải hành động để ngăn chặn những thảm họa tương tự ở Mumbai. Nhiều cư dân Ấn bày tỏ hoài nghi về khả năng Chính phủ Ấn Độ ngăn ngừa tấn công khủng bố, thậm chí đã có đề nghị chính phủ từ chức!
Vụ tấn công khủng bố Mumbai cũng làm thay đổi lịch trình công du của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. Thư ký báo chí Nhà Trắng Dana Perino khẳng định theo đề nghị của Tổng thống Bush, bà Rice đã đưa thêm Ấn Độ vào các địa điểm công du của mình sau khi bay tới Brussels để tham gia cuộc gặp các ngoại trưởng NATO. Theo lời bà Perino, chuyến công du của bà Rice nhằm “thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Ấn Độ”, “nhắc nhở sự hợp tác của hai nước trong cuộc chiến chống những kẻ cực đoan”. Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu của những kẻ tấn công Mumbai là nhằm gây bất ổn tình hình Ấn Độ, “trừng phạt” nước này do quan hệ thân cận với Mỹ.