Quân nổi dậy chiếm học viện cảnh sát ở Syria
(NLĐO) - Quân nổi dậy đang chiếm phần lớn một học viện cảnh sát gần thành phố Aleppo (Syria) sau một trận giao tranh dữ dội gây nhiều thương vong.
Gần 200 tay súng của cả hai bên đã bị tiêu diệt trong hơn 8 ngày đụng độ, theo các nhà hoạt động thuộc tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh. Chỉ tính riêng trong ngày 3-3 đã có 34 binh lính và cảnh sát Syria thiệt mạng. Một video xuất hiện hôm 2-3 cho thấy quân nổi dậy đột nhập vào học viện Khan al-Assal nói trên.
Thông tin trên và nội dung đoạn video vẫn chưa được kiểm chứng. Nó xuất hiện một ngày sau khi quân đội chính phủ tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát các ngôi làng trên tuyến đường chính kết nối thành phố Hama với Aleppo, cùng với an ninh được "khôi phục" tại tận sân bay của Aleppo. SOHR cũng cho biết thêm quân nổi dậy đã chiếm được một nhà tù của tỉnh Raqqa ở phía Bắc

Hình ảnh chụp từ đoạn video được cho là chiếu cảnh quân nổi dậy
đột nhập vào học viện cảnh sát Khan al-Assal Ảnh:BBC
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo Sunday Times (Anh), Tổng thống Assad nói rằng chính phủ Anh đã “ngây thơ, bối rối, không thực tế" trong cách tiếp cận đối với cuộc xung đột. Ông cũng cáo buộc chính phủ của Thủ tướng David Cameron quyết tâm sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Anh đang tích cực hỗ trợ phe đối lập Syria nhưng chưa đồng ý cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định ông không “loại trừ bất kỳ khả năng nào trong tương lai”. Ông Hague cho rằng nhà lãnh đạo Syria đã "ảo tưởng" trong cuộc phỏng vấn nói trên và tuyên bố London không thể “chỉ ngồi bên lề và xem cuộc khủng hoảng leo thang từng ngày”.
Cũng trong cuộc phóng vấn nói trên, nhà lãnh đạo Syria nói thêm rằng Damascus sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai, trong đó có cả các tay súng đã buông vũ khí. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không đàm phán với những kẻ khủng bố, những người chỉ muốn dùng vũ lực. Kể từ khi cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu vào 3-2011, ước tính khoảng 70.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm ngàn người bỏ nhà cửa chạy sang các nước láng giềng.