Quân sự hóa để chống dịch Ebola

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 3-9 cho biết hơn 1.900 người đã chết vì đại dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi. Trong đó, 40% trường hợp xảy ra trong 3 tuần qua.

Theo thống kê của WHO, ít nhất 3.500 trường hợp được xác nhận hoặc bị nghi nhiễm Ebola ở Guinea, Sierra Leone và Liberia. Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cảnh báo: “Đại dịch đang vượt ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia này”.

Ngày 4-9, WHO họp bàn để xem xét những phương pháp điều trị Ebola cũng như đẩy nhanh thử nghiệm và sản xuất thuốc trị bệnh.

Nhận định đại dịch Ebola lần này “lớn, nghiêm trọng và phức tạp nhất”, bà Chan cho biết: “Ngay cả những nhân viên có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh bùng phát vào các năm 1976 và 1995 hoặc những người tiếp xúc trực tiếp với các ổ dịch đều thừa nhận quy mô dịch bệnh lần này là nghiêm trọng nhất”.

 

Các nhân viên y tế vây quanh một bệnh nhân Ebola bỏ chạy khỏi bệnh viện Elwa ở thủ đô Monrovia - Liberia Ảnh: REUTERS

Các nhân viên y tế vây quanh một bệnh nhân Ebola bỏ chạy khỏi bệnh viện Elwa

ở thủ đô Monrovia - Liberia. Ảnh: REUTERS

 

Trong khi đó, ông Bruce Ayleward, trợ lý tổng giám đốc WHO, cho hay tổ chức này đang dành ngân sách cho một cầu hàng không ngắn hạn để chở nhân viên và đồ tiếp tế cấp thiết. Tuy nhiên, ông cảnh báo kinh phí sẽ tăng vọt nếu cầu hàng không phải hoạt động dài hạn.

WHO hôm 3-9 ước tính họ cần ít nhất 600 triệu USD để giúp các nước Tây Phi chống dịch, đồng thời lo ngại hơn 20.000 người có thể nhiễm bệnh trước khi kiểm soát được dịch.

Chứng kiến sự lây lan này, tổ chức Thầy thuốc Không biên giới (MSF) cho rằng cần phải có một hành động can thiệp quân sự toàn cầu. Theo MSF, phản ứng toàn cầu trước dịch bệnh cho đến nay vẫn “chưa thỏa đáng” và thế giới “đang thua” trong cuộc chiến chống lại Ebola.

TS Joanne Liu, người đứng đầu MSF, lo ngại: “Các cuộc bạo loạn đang nổ ra. Trung tâm cách ly quá tải. Các nhân viên y tế ở tuyến đầu bị nhiễm bệnh và thiệt mạng vì Ebola với số lượng báo động. Nhiều người khác bỏ chạy trong sợ hãi, để lại các bệnh nhân không được chăm sóc, thậm chí đó là những người mắc bệnh thông thường nhất. Toàn bộ hệ thống y tế đã sụp đổ”.

TS Liu kêu gọi các nước lập tức triển khai các nhóm quân sự và dân sự có khả năng đối phó thảm họa sinh học và được hỗ trợ đầy đủ về mặt hậu cần. Theo bà, tiền bạc hiện không còn là vấn đề chính và sự giúp đỡ tình nguyện không đủ để ngăn dịch. Những nhóm ứng phó có chuyên môn cao và được trang bị tốt mới là điều cần nhất lúc này.